Chiều ngày 11/5/2020, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; cùng tham dự có các đồng chí Tổ trưởng, Tổ phó và thành viên Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII.
Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/TBVK, ngày 23/8/2019 của Tiểu ban Văn kiện về biên soạn các báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chương trình công tác tháng 5/2020, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tổ chức làm việc với Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh để nghe báo cáo và cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và dự thảo Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ Biên tập văn kiện báo cáo về việc tiếp thu, bổ sung hoàn thiện (Dự thảo lần 3) Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp.
Đ/c Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Tổ Biên tập sau khi đã tiếp thu ý kiến tham gia của Ban Kinh tế Trung ương và cán bộ chủ chốt của tỉnh đã nghỉ hưu cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn kiện trình đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong đó, cần phải dự báo sát tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm tới cần phải có chiều sâu và có tính khả thi trong nhiệm kỳ. Đồng thời cập nhật thêm một số vấn đề mới, dự báo diễn biến để có các giải pháp phù hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới trước nguy cơ đa khủng hoảng, làn sóng phá sản doanh nghiệp... có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước, trong tỉnh.
Cập nhật số liệu chính xác, khách quan nhất, nội dung Báo cáo chính trị cần phải thể hiện tính mới, sáng tạo, đổi mới và có chiều sâu gắn với xu thế phát triển của Cuộc cách mạng 4.0 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Về chủ đề đại hội cần dựa trên các căn cứ xác định để trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Về chỉ tiêu cần có định hướng đến năm 2030 và năm 2035 để thiết kế hệ thống chỉ tiêu, tầm nhìn có bước đi phù hợp gắn với 3 khâu đột phá chiến lược trên từng lĩnh vực. Cách diễn đạt các lĩnh vực trong báo cáo cần đảm bảo sự thống nhất, theo hướng quy nạp diễn giải và được rút tít cô đọng mang tính định hướng, đề ra giải pháp cụ thể có tính sáng tạo và khái quát cao.
Về bài học kinh nghiệm cần phải cụ thể và sát thực tế kết quả lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ. Trong đó, xác định việc quy tụ, đoàn kết nội bộ là quan trọng nhất; việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải có tư duy đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm và coi trọng hiệu quả công việc; thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và xử lý nghiêm các vi phạm; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có khát vọng đổi mới và phát triển.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý Tổ Biên tập cần phối hợp với Sở Xây dựng để rà soát quy hoạch phát triển đô thị và đề xuất của các huyện về chiến lược phát triển đô thị loại V, loại IV, phát triển thị trấn, thị xã và tương lai hình thành các quận để tỉnh Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2035. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực yêu cầu Tổ Biên tập khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh để báo cáo Tiểu ban Văn kiện và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để kịp thời lấy ý kiến tại đại hôi đảng bộ cấp trên cơ sở và xin ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.