Thứ ba, ngày 26/11/2024

Hải Dương: Những lần Bác Hồ về thăm

Thứ Tư 13/05/2020 15:31

Xem với cỡ chữ
Sinh thời, Bác Hồ đã 5 lần về thăm và làm việc với Hải Dương. Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương, Người có sự quan tâm đặc biệt.

 

Với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tuy bận trăm công, nghìn việc nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương. Hải Dương vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 5 lần vào các năm 1946, 1957, 1959, 1962 và 1965. Mỗi lần Người về thăm đều để lại những kỷ niệm sâu đậm không bao giờ quên đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương.

Ngày 21/10/1946, lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Hải Dương. Sau chuyến thăm nước Pháp, từ Hải Phòng về Hà Nội bằng tàu hoả, Bác Hồ đã dừng chân vẫy chào công nhân ở ga Lai Khê (huyện Kim Thành), ga Tiền Trung (huyện Nam Sách) đang tập trung đón Bác, rồi Bác về ga Hải Dương. Tại đây Bác nói chuyện với nhân dân về tình hình và kết quả đàm phán tại Pháp, về âm mưu của giặc và những khó khăn của đất nước, cũng như quyết tâm của Chính phủ và kêu gọi toàn thể đồng bào phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, chuẩn bị tinh thần, lực lượng và vũ khí, sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù bội ước, để giữ bằng được độc lập, tự do cho dân tộc… Cuộc nói chuyện của Bác Hồ ngay trên sân ga tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Hải Dương. Ai nấy đều phấn khời, quyết tâm sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương.

Ngày 31/5/1957, trên đường công tác từ Hải Phòng về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hải Dương lần 2. Bác về xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, thăm một số gia đình, trong đó có gia đình cụ Vũ Văn Trung ở xóm Vũ Thượng có 3 con đi bộ đội. Tại Hội trường Tỉnh ủy, sau là trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Bảo tàng tỉnh, Bác nói chuyện với trên 400 đại biểu là cán bộ khu, cán bộ tỉnh, bộ đội và các tầng lớp nhân dân. Người căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân phải nâng cao ý chí phấn đấu với tinh thần đồng cam cộng khổ, luôn đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế để củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 31/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hải Dương tại Hội trường Tỉnh ủy, sau là trường Nguyễn Ái Quốc - nay là Bảo tàng tỉnh. (Ảnh tư liệu)

Ngày 01/4/1959, sau khi đi thăm tỉnh Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm tỉnh Hải Dương lần 3. Tại trụ sở làm việc của Tỉnh uỷ (thị xã Hải Dương), nay là nhà khách Bạch Đằng, Bác nói chuyện với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Trong buổi gặp mặt thân mật này, Bác khen ngợi những thành tích đã đạt được của nhân dân và cán bộ tỉnh Hải Dương, nhất là phong trào sản xuất nông nghiệp, Bác nhắc nhở một số công việc sản xuất trong vụ Đông như cần bón thêm phân và ra sức chống hạn.

Ngày 01/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương (Ảnh tư liệu)

Tiếp đó là ngày 26/7/1962, Người về thăm Hải Dương. Buổi sáng Bác nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân). Sau đó, Người đã đến thăm xã Ứng Hòe và xã Hiệp Lực (Ninh Giang) là hai xã rất gương mẫu trong lao động sản xuất lúa gạo và có thành tích chống úng lụt khá nhất tỉnh. Tại xã Hiệp Lực, Người tham gia guồng nước chống úng cùng với bà con nông dân, căn dặn mọi người phải tích cực chống úng thắng lợi qua 2 câu  lẩy Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta. Chống úng thắng lợi mới là người ngoan". Sau khi thăm cán bộ và nhân dân xã Hiệp Lực, Người về hội trường Nhà máy Xay Ninh Giang, nói chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân huyện Ninh Giang. Buổi chiều, Bác về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương (nay là Công ty Sứ). Bác thăm các phân xưởng sản xuất, tới phân xưởng vẽ hoa trên sứ, Bác nói "Sứ Việt Nam cần vẽ hoa Việt Nam", rồi cầm bút viết 5 chữ: "Phải cố gắng tiến bộ" trên một lọ hoa, dưới ký tên.

Và ngày 15/2/1965, lần thứ năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hải Dương. Buổi sáng, Bác về xã Hồng Thái (Ninh Giang) - lá cờ đầu của phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác. Tại đây Bác đã nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Bác nhắn nhở: "Đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với thành tích bước đầu, mà cần phải cố gắng hơn nữa". Trưa ngày 15/2/1965, Bác tới thăm xã Nam Chính (Nam Sách) - nơi có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh. Bác thăm hỏi đời sống nhân dân, xem các công trình vệ sinh như giếng nước, nhà tắm… của bà con và căn dặn: "Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên khá...". Bác mong Hải Dương có nhiều xã như Nam Chính.


Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm đồng bào xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và nói chuyện về công tác vệ sinh phòng bệnh. (Ảnh tư liệu)

Cũng trong lần về thăm này, Bác đã tới thăm Côn Sơn (Chí Linh), đọc bia chùa Côn Sơn, viết vào sổ lưu niệm, căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các sư trụ trì chùa phải tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích lịch sử văn hoá trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, "phải biến nơi đây thành tùng lâm đẹp đẽ".

Có thể nói, trong những lần về thăm Hải Dương, Bác đã nói chuyện, tặng huy hiệu, tặng quà biểu dương, khích lệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Bác khen ngợi những thành tích của nhân dân và cán bộ Hải Dương, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp và phong trào đổi công hợp tác xã. Đó là món quà tinh thần vô giá góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 5 lần vinh dự được đón Bác về thăm, đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong tâm trí, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương, làm tăng thêm niềm tin tưởng, phấn khởi. Những lời dạy bảo ân cần, mộc mạc của Bác là những định hướng lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đi lên từ một tỉnh thuần nông.

Khắc ghi lời Bác, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương không ngừng vận dụng sáng tạo lời dạy, lời căn dặn của Người, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau.

Đặc biệt, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương liên tục gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ một tỉnh thuần nông đến nay kinh tế Hải Dương liên tục có những bước tăng trưởng khá và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 91,7% GRDP. Quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 11, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 13 trong cả nước. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Đặc biệt, năm 2019 lần đầu tiên tỉnh Hải Dương đạt tổng thu ngân sách trên 20.000 tỷ đồng, vượt 35% dự toán. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Năm 2019, tỉnh đã thành lập 18 khu công nghiệp với diện tích 3.517ha; trong đó 10 KCN đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.697ha. Toàn tỉnh hiện có trên 14 nghìn doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 162 nghìn tỷ đồng, trong đó có 451 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,4 tỷ USD. Nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng cao, đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Diện mạo đô thị, nông thôn có sự khởi sắc rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh đã có 201/220 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Hải Dương mở rộng được công nhận là đô thị loại 1, thành lập thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều đổi mới, tiến bộ, đã có 683 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 75,4% tổng số trường), luôn duy trì vị trí tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm thường xuyên, các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Năm 2019, đã giải quyết việc làm mới cho trên 35 nghìn lao động, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của tỉnh còn 1,9%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 87,6%. Công tác quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có bước chuyển biến tích cực, nhất là trong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Năm 2019, hoàn thành việc sắp xếp, bố trí trưởng ban tuyên giáo cấp ủy đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 12/12 huyện, thành phố; hoàn thành việc sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 30 đơn vị; sáp nhập 315 thôn, khu dân cư, chia tách 10 thôn; giảm 106 đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản tổng số 550 người... Bên cạnh đó, hoạt động hội nhập và hợp tác kinh tế được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đi vào chiều sâu.

Thành phố Hải Dương (Ảnh Thành Chung)

Ghi nhớ lời dạy của Bác, Hải Dương hôm nay đang lỗ lực không ngừng để vươn lên hòa nhịp cùng sự đổi thay từng ngày, từng giờ của đất nước, phát huy truyền thống của một vùng đất giàu đẹp, văn hiến và anh hùng; sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, tỉnh kiểu mẫu.

Thùy Linh (Tổng hợp)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: