Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5166/UBND-VP về việc tăng cường một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
(Ảnh minh họa)
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp sau:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị, tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn. Người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng và duy trì đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và CNCH trong suốt quá trình hoạt động. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại cơ sở quản lý do không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH.
Tăng cường rà soát, kiểm tra, thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, khu dân cư, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, các đình chùa nơi diễn ra các hoạt động lễ hội...; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Trường hợp vi phạm, phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ tại ở các công trình, cơ sở, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn; Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, hiệu quả các tình huống cháy, nổ xảy ra. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đặc biệt tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người. Phối hợp với UBND cấp huyện phân công cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, ứng trực, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở để sẵn sàng tham gia chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. - Chỉ đạo các lực lượng, đặc biệt là Công an các địa phương cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự từ cấp cơ sở và các công tác quản lý trên các lĩnh vực khác, tiềm ẩn nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ như: Vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, pháo...
Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng tại các công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với các loại hình công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, không phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình khác mà không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xâm. Chỉ đạo chính quyền địa phương, các đơn vị tổ chức sự kiện, Ban quản lý các khu vực tổ chức lễ hội, du lịch văn hóa, tâm linh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH trên hệ thống loa phát thanh, truyền thanh công cộng, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy phục vụ Nhân dân vui Tết, đón Xuân. Chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các huyện, thành phố, thị xã phân công cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục ngay tình trạng sử dụng, lắp đặt hệ thống, thiết bị điện không đúng cách, không đảm bảo an toàn để hạn chế nguy cơ cháy, nổ do điện gây ra; đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống, thiết bị, dây dẫn điện; Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân 2025 để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.