Qua hơn 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Hải Dương có xu hướng giảm mạnh và đã được kiềm chế, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch số 2484/KH-UBND ngày 26/7/2019 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Qua hơn 05 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Hải Dương có xu hướng giảm mạnh và đã được kiềm chế. Các đối tượng không còn hoạt động cho vay công khai, ngang nhiên như trước; tình trạng treo biển quảng cáo, phát, dán tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng (tường, cây xanh) giảm rõ rệt; các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” từ rầm rộ quảng cáo, công khai mời chào, dụ dỗ người vay chuyển sang hoạt động cầm chừng, núp bóng, lén lút, hoạt động lưu động, không có cơ sở, địa điểm cụ thể nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng; tình trạng các đối tượng côn đồ “xăm trổ”, có tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý để đòi nợ trái pháp luật không còn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Loại hình “tín dụng đen” theo phương thức truyền thống tuy giảm về quy mô lớn, nhưng chưa bền vững, vẫn sẽ tồn tại hoạt động với quy mô nhỏ, lẻ trong các khu dân cư và sẽ phức tạp trở lại nếu các lực lượng chức năng buông lỏng, thiếu quyết liệt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm “tín dụng đen” có xu hướng chuyển dịch phương thức hoạt động truyền thống sang sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng để hoạt động với diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới. Hoạt động thu hồi nợ của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” còn tiềm ẩn diễn biến khó lường dễ phát sinh các loại tội phạm như giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thời gian tới, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 138 tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa xã hội, trong đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tập trung hướng đến những người dễ trở thành nạn nhân của "tín dụng đen" (những người đang gặp khó khăn về kinh tế, có nhu cầu vay tín dụng nhưng không đáp ứng điều kiện vay vốn của hệ thống ngân hàng, nhận thức pháp luật hạn chế, thất nghiệp, mất việc làm, công nhân, học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp, người dân tộc thiểu số...); đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ việc làm, an sinh xã hội, tạo thuận lợi và hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nhất là đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, doanh nghiệp núp bóng hoạt động “tín dụng đen”, quản lý người nước ngoài.... Thành lập, duy trì hoạt động Tổ công tác liên ngành (gồm các cơ quan: Công an, Ngân hàng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thuế) để triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" hoặc móc nối, tiếp tay cho hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời kiến nghị khắc phục ngay những sơ hở mà các đối tượng lợi dụng để phạm tội. Chỉ đạo và chủ động phát hiện sớm, nắm bắt kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, vụ việc có liên quan từ vay nợ, đòi nợ “tín dụng đen” trong nội bộ Nhân dân, những người có biểu hiện quẫn bách tài chính, nợ nần, vay lãi nặng có nguy cơ cao phạm tội để thông báo, cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng Công an xử lý, phòng ngừa tội phạm.
Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động "tín dụng đen"; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Kịp thời biểu dương, khen ngợi gương người tốt, việc tốt trong công tác này. Tăng cường đầu tư, bố trí nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao (nhất là trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, công nghệ thông tin), trang thiết bị, phương tiện hiện đại, kinh phí đảm bảo phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng, chống tội phạm.