Thời gian qua công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, đạt được kết quả quan trọng.
Thành lập "Điểm chữa cháy công cộng" xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng
Thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW và Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; thời gian qua công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, đạt được kết quả quan trọng.
Công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH phát triển mạnh, rộng khắp. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 1.334 đội dân phòng (tương ứng với 1.334 đơn vị hành chính cấp thôn); 14 đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành tại các cơ sở sản xuất và khu công nghiệp thuộc diện phải thành lập, với 255 thành viên; 9.068 đội phòng cháy chữa cháy cơ sở với tổng số trên 30.000 người. Duy trì 16 mô hình bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, trong đó 14 mô hình Tổ tự quản về PCCC và CNCH tại huyện Thanh Miện; 01 mô hình cụm liên kết an toàn về PCCC và CNCH tại CCN An Đồng, huyện Nam Sách; 01 mô hình an toàn về PCCC và CNCH tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; thành lập 245 "Điểm chữa cháy công cộng", xây dựng 972 "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy". Năm 2023 không có người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH được tăng cường; số vụ cháy, nổ được phòng ngừa và hạn chế. Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC và CNCH được nâng cao về trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nhiều vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn được xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy và 01 vụ nổ; làm 02 người bị thương, thiệt hại về tài sản 1.393,6 triệu đồng. So với năm 2022, số vụ cháy giảm 07 vụ, thiệt hại do cháy gây ra giảm 1.277,9 triệu đồng; nổ tăng 01 vụ, tăng 02 người bị thương, thiệt hại tài sản tăng 40 triệu đồng. Trong đó, khu vực thành thị xảy ra 14 vụ cháy, nổ chiếm tỷ lệ 41,2%; nông thôn xảy ra 18 vụ, chiếm tỷ lệ 52,9%; KCN, CCN 02 vụ chiếm tỷ lệ 5,9%. Loại hình nhà ở đơn lẻ xảy ra 08 vụ, chiếm 23,5%; nhà ở kết hợp kinh doanh 02 vụ chiếm 5,9%; trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hoá 02 vụ chiếm 5,9%; phương tiện giao thông 04 vụ chiếm 11,8%; kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác 03 vụ chiếm 8,8%; cơ sở giáo dục 01 vụ, chiếm 2,9%; loại hình khác 14 vụ, chiếm 41,2%. Thành phần kinh tế Nhà nước 01 vụ , chiếm 2,9%; kinh tế tư nhân 07 vụ, chiếm 20,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 02 vụ chiếm 5,9%.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn, pháp luật về phòng cháy chữa cháy được tăng cường. Lực lượng công an đã thành lập 13 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và huyện, tổ chức kiểm tra tổng số 3.778 cơ sở với loại hình nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Kết quả đã lập 3.778 biên bản kiểm tra, kiến nghị yêu cầu chủ cơ sở khắc phục 1.565 các tồn tại, thiếu sót vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy, lập 14 biên bản vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy, xử phạt 14 trường hợp với số tiền là 20,7 triệu đồng. Đồng thời, Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc 04 lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch; thương mại dịch vụ; xăng dầu, dầu khí; khoáng sản, vật liệu xây dựng, đã thực hiện kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại 5.884 cơ sở; phát hiện, hướng dẫn, kiến nghị cơ sở khắc phục 12.356 nội dung tồn tại về PCCC và CNCH. Xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy 227 trường hợp, tổng số tiền 5.596.350.000 đồng; tạm đình chỉ hoạt động đối với 67 cơ sở; đình chỉ hoạt động đối với 110 cơ sở không đảm bảo các điều kiện về PCCC và CNCH không đảm bảo các điều kiện về PCCC và CNCH.
Lực lượng PCCC Hải Dương tích cực tham gia dập lửa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở đơn lẻ chiếm tỷ lệ cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đối với công tác PCCC và CNCH; nhận thức, kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người dân còn hạn chế, có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa rộng khắp, toàn diện, mới tập trung chủ yếu ở thành phố, các thị xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trọng điểm về cháy, nổ. Công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH chưa được quan tâm đúng mức. Việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy còn chậm. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn mỏng, địa bàn phụ trách rộng nên khả năng cơ động đến đám cháy, CNCH còn hạn chế. Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác chữa cháy và CNCH còn hạn chế, bất cập...
Để công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, đoàn thể, nhất là lực lượng công an cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015, Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư và các quy định về công tác PCCC và CNCH. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC đối với các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức PCCC. Xây dựng, phát triển phong trào toàn dân PCCC, gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" với phương châm "bốn tại chỗ". Nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các khu dân cư. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; triển khai quyết liệt các biện pháp hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, CNCH, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực PCCC, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực PCCC; hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thường trực, sẵn sàng chữa cháy và CNCH... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác PCCC và CNCH. Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC tại chỗ. Quan tâm đầu tư, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại về PCCC và xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đáp ứng được yều cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.