Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được UBND tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh tra tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác phòng chống tham nhũng
Xác định phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về PCTN, tiêu cực, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực, trong đó đã xác định những yêu cầu, nội dung, mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 11 lớp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN với 3.830 lượt người tham dự; phát hành 3.512 tài liệu về pháp luật PCTN. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị triển khai, quán triệt, tập huấn thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và thực hiện tuyên truyền thông qua cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ, kịp thời như tăng cường tính công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động mà trước hết tập trung vào công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như tài chính ngân sách Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng, các dự án đầu tư công và tài sản công, quản lý sử dụng đất; tổ chức cán bộ; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và cải cách hành chính... Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 11 quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành 22 nghị quyết về các định mức, chế độ, tiêu chuẩn áp dụng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính, thực hiện quản lý thu chi theo quy định; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công và thực hiện đảm bảo tiết kiệm nguồn lực tài chính, bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Các sở, ngành, địa phương đã tăng cường rà soát các định mức, chế độ, tiêu chuẩn thuộc phạm vi quản lý. Trong năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn; phát hiện 01 đơn vị có vi phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật 01 cá nhân. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 222 người. 100% hồ sơ thủ tục hành chính được cập nhật vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và công khai tiến độ giải quyết trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Hải Dương. Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được triển khai thực hiện có hiệu quả. Năm 2023, đã bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên 27 người được xác minh tài sản, thu nhập.
Thanh tra tỉnh Hải Dương bốc thăm ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2023
Cùng với thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tỉnh Hải Dương đã tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra. Thanh tra tỉnh và Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện 161 cuộc thanh tra hành chính và 740 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 100.815,31 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 9.327 triệu đồng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 02 vụ với 02 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính 06 cá nhân và kiến nghị chấn chỉnh nhiều hạn chế, thiếu sót của các đơn vị. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 179/253 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; số vụ việc còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu phạm tội về tham nhũng. Trong công tác điều tra, năm 2023, đã phát hiện và khởi tố điều tra 23 vụ án tham nhũng, trong đó cơ quan cảnh sát điều tra đã kết thúc điều tra 10 vụ án, đề nghị truy tố 37 bị can; đang điều tra giải quyết 13 vụ án theo quy định.
Về kết quả công tác PCTN, tiêu cực trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn các doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài nhà nước áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng như thực hiện công tác tuyên truyền về PCTN, công khai, minh bạch việc thực hiện chính sách pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên... Qua theo dõi, tổng hợp kết quả PCTN, chưa phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có vi phạm pháp luật về PCTN. Bên cạnh đó năm 2023, tỉnh Hải Dương đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực, đặc biệt là tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan báo chí và quần chúng nhân dân.
Với những kết quả trên, theo báo cáo kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, tỉnh Hải Dương đạt 71,54/100 điểm, xếp thứ 13 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 5,95 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2021).
Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa, tỉnh Hải Dương tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PCTN, tiêu cực. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân. Tiếp tục thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực; kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng...