Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa
Luật Luật sư được Quốc hội (khóa XI) thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực ngày 01/01/2007 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012. Sau khi Luật Luật sư được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai quán triệt Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành đến lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, Đoàn luật sư tỉnh, các tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư. Đồng thời, từng bước củng cố các tổ chức hành nghề luật sư trong tỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của luật sư.
Sau 15 năm triển khai thi hành Luật Luật sư, công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh được tăng cường, sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhận thức của người dân đối với hoạt động của luật sư đã được nâng cao. Nhiều luật sư đã được chính quyền địa phương mời tham gia ý kiến vào công việc của nhà nước như việc rà soát thủ tục hành chính, tham gia giải quyết khiếu kiện… Người dân đã thấy được vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật, giải quyết các tranh chấp; do đó, số lượng người dân nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngày một nhiều. Đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư không ngừng được tăng lên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 17 tổ chức hành nghề luật sư, tăng 64,7% (gồm 14 văn phòng luật sư và 03 công ty luật; ngoài ra còn có 16 chi nhánh, 03 văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư và 01 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân). Tổng số luật sư là thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh là 52 người, tăng 42,3% (trong đó có 44 luật sư hành nghề tại các tổ chức luật sư trên địa bàn tỉnh, 01 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, 02 luật sư hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư tỉnh khác và 05 luật sư chưa đăng ký hành nghề); không có tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Chất lượng đội ngũ luật sư không ngừng được nâng lên, hiện 100% đội ngũ luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên, hàng năm đều tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp... theo quy định; trong đó có 32 luật sư là đảng viên, công chức nghỉ hưu.
Cùng với đó, hoạt động hành nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư trong 15 năm qua đã có những bước chuyển biến tích cực tăng cả về số lượng và chất lượng vụ việc. Các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động đa dạng ở tất cả các lĩnh vực, ngoài lĩnh vực truyền thống như hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại. Số lượng vụ việc và doanh thu, nộp thuế của các tổ chức hành nghề luật sư có chiều hướng tăng lên theo từng năm. Sau 15 năm, các tổ chức hành nghề luật sư đã tham gia tố tụng 2.854 vụ việc, trong đó 1.489 vụ án hình sự; thực hiện tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác 4.660 vụ việc; trợ giúp pháp lý 1.725 vụ việc; thu được gần 25,4 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước gần 2,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 15 năm thực hiện Luật Luật sư, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không ngừng góp phần tích cực vào củng cố an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động cải cách tư pháp ở địa phương đang được triển khai có hiệu quả với quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia có chất lượng tranh tụng các vụ việc tại phiên tòa. Việc tổ chức điều hành văn phòng luật sư, công ty luật từng bước được đổi mới về tổ chức và hoạt động; các tổ chức hành nghề luật sư đã làm tốt công việc giáo dục, giám sát luật sư trong việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.
Tuy nhiên, với yêu cầu thì vẫn còn bộc lộ các tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ luật sư tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế; một số luật sư còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Số lượng luật sư hiện có so với dân số còn thấp và có sự phát triển không đồng đều giữa khu vực thành thị và các huyện. Một số luật sư chưa thực sự quan tâm và có ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ, thực hiện các quy định của Luật Luật sư; việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề chưa được một số luật sư nhận thức một cách đầy đủ. Một số tổ chức hành nghề luật sư chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để đảm bảo hoạt động…
Để tiếp tục triển khai Luật Luật sư vào trong đời sống xã hội, cần có sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, ban, ngành cũng như sự nỗ lực của đội ngũ luật sư. Tiếp tục quán triệt, phổ biến Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác tham mưu cho tỉnh trong việc quản lý nhà nước về vấn đề luật sư; chỉ đạo, triển khai biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hoạt động luật sư. Khen thưởng kịp thời cho luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thành tích, công sức đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…