Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Hải Dương: Một số kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2022

Thứ Tư 01/02/2023 09:47

Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Thanh tra tỉnh Hải Dương đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Ảnh: Đồng chí Cao Ngọc Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2022 của Cụm thi đua Thanh tra các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng

Năm 2022, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo theo kế hoạch; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, khắc phục tình trạng trùng lắp đối tượng, nội dung thanh tra giữa các đơn vị, không còn tình trạng doanh nghiệp được thanh tra quá 1 lần/1 năm. Công tác thanh tra tập trung vào công tác quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí; thực hiện quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; công tác quản lý, sử dụng đất đai; việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại các doanh nghiệp và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Trong năm toàn ngành Thanh tra tỉnh đã thực hiện 193 cuộc thanh tra hành chính (167 cuộc theo kế hoạch và 26 cuộc đột xuất) và 979 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 135 tỷ 788 triệu đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi 85 tỷ 464 triệu đồng, kiến nghị giảm giá trị quyết toán và xử lý khác 50 tỷ 324 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 11 tỷ 368 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 04 cá nhân và kiến nghị chấn chỉnh nhiều hạn chế, thiếu sót của đơn vị. Đồng thời, chú trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Năm 2022 đã ban hành 38 văn bản; tổ chức 06 lớp tập huấn với 1.363 người tham dự lớp tập huấn tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, nhằm đảm bảo tốt hơn về yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước, cũng như đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh duy trì và thực hiện theo quy định; đã có sự phối hợp tốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 231 đoàn đông người, trong đó có 38 đoàn công dân tập trung đông người tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 6.545 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 391 lượt (tăng 6,35% so với cùng kỳ năm 2021); số lượng đơn thư của công dân gửi đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh 6.048 đơn, trong đó 5.184 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh đủ điều kiện xử lý, giảm  859 đơn (bằng 12,77% so với cùng kỳ năm 2021). Nhiều nhiệm vụ phát sinh đã được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Trong năm 2022 đã giải quyết khiếu nại 106/138 vụ (trong đó số vụ việc giải quyết bằng quyết định hành chính là 78 vụ, số vụ việc rút đơn thông qua giải quyết, thuyết phục là 28 vụ); đã giải quyết tố cáo 127/136 vụ (trong đó 90 vụ giải quyết lần đầu, 02 vụ tố cáo tiếp, 14 vụ toàn bộ nội dung tố cáo, 21 vụ đình chỉ không do rút tố cáo).

Công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai thực hiện thường xuyên và có những chuyển biến tích cực trên các mặt công tác. Việc tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức và trở thành hành động trong phòng chống tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng gắn với thực hiện cải cách hành chính và quy chế dân chủ cơ sở. Hàng năm, đã kịp thời ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định. Đến nay, các sở ngành, địa phương đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính, thực hiện thu chi theo quy định. 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý sử dụng tài sản công và thực hiện đảm bảo tiết kiệm nguồn lực tài chính, bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số bản kê khai tài sản, thu nhập bổ sung năm 2021 đã công khai là 4.985 bản/4.985 người, đạt 100% so với tổng số bản kê khai của người đã kê khai.


Ảnh: Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra hiệu thuốc Thái Bình trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương)

Ngoài ra, đã phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng qua công tác thanh tra, công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo báo cáo của Công an tỉnh, năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 12 vụ có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, trong đó cơ quan công an đã khởi tố 9 vụ; 3 vụ còn lại đang trong quá trình điều tra, xác minh. Công tác thanh tra, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung thanh tra những nội dung dễ phát sinh sai phạm đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn ở một số đơn vị có vụ việc còn chưa chính xác, dẫn đến tham mưu, giải quyết đơn chưa đảm bảo theo đúng quy định. Việc giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền của một số địa phương, nhất là ở cơ sở còn chậm, chất lượng giải quyết chưa cao dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp vẫn diễn ra. Một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo tiến độ thời gian. Công tác thông tin, tổng hợp, báo cáo về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, kịp thời.

Trong thời gian tới, ngành Thanh tra tỉnh cần bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022; tiếp tục cũng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính. Hoạt động thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Chính phủ và bối cảnh tình hình hiện nay, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

 Tiếp tục kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/01/2014; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật phòng chống tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng...

Trần Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: