Thứ hai, ngày 25/11/2024

Hải Dương - Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp năm 2021

Thứ Ba 12/10/2021 14:15

Xem với cỡ chữ
Ngày 12 tháng 10 năm 2021, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu tỉnh và trực tuyến tới các điểm cầu 12 huyện, thành phố, thị xã. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị; với sự tham dự của trên 200 doanh nhân đại diện cho các hiệp hội, các hội và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị được tổ chức  để lãnh đạo tỉnh thông tin tình hình kinh tế – xã hội, nắm bắt thông tin phản ánh, giải đáp và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; đánh giá vai trò đóng góp của đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng các doanh nhân

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đặc biệt, trong những đợt dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã chung tay, góp công, góp sức cùng các cấp uỷ, chính quyền đẩy lùi dịch bệnh, duy trì sản xuất.

Các đồng chí Thường trực tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2021. Tại Hải Dương, qua 4 đợt dịch mà cao điểm là đợt dịch thứ 3, bùng phát rộng trên quy mô toàn tỉnh vào đầu năm 2021, gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2021 có 1.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2020; 658 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 21,6%; 130 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 20,4%; 500 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 49,2%. Mặc dù vậy,với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, sự đồng thuận ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp; đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát; tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội được đảm bảo; đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì. Trong 9 tháng, kinh tế của Hải Dương đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất tăng 6,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,5%, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 25,8%, thu ngân sách nhà nước đạt 13.396 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động, đối tượng gặp khó khăn được quan tâm thực hiện tốt…

Ông Kimura Tadashi, tổng giám đốc công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam phát biểu

Tại Hội nghị ở các điểm cầu, có nhiều doanh nhân phát biểu, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh. Các doanh nhân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua; đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, đã giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh. Các doanh nhân ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, chính quyền trong tạo điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nhân cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như: Giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá, đi lại của các chuyên gia, công nhân lao động khi đi lại liên tỉnh trong quá trình kiểm soát dịch bệnh Covid-19; đề nghị tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng; chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi, bàn giao đất cho các nhà đầu tư; kiến nghị cơ chế giảm thuế, lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cơ chế hỗ trợ trong việc tìm kiếm, giới thiệu việc làm, tăng khả năng cung ứng lao động có tay nghề, chất lượng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động…

Bà Trương Tú Phương, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP KCN Đại An phát biểu

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Thăng uỷ viên BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội; đó là, sự ủng hộ các chủ trương, giải pháp của tỉnh, chủ động đề ra kế hoạch hoạt động, linh hoạt, thích ứng, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ tỉnh, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Trong lúc khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng và xã hội, tích cực chung tay góp sức cùng các cấp chính quyền tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh; các doanh nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ vào Quỹ mua vắc-xin phòng chống COVID và Quỹ toàn dân phòng chống COVID của tỉnh với số tiền trên 100 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa tiêu dùng khác. 

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng chí Phạm Xuân Thăng yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; giao cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục tổng hợp nắm bắt những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đối với tỉnh. Những nội dung doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất chưa được giải đáp tại hội nghị hoặc những giải đáp chưa được doanh nghiệp đồng tình thống nhất, đề nghị các cơ quan, địa phương cần nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu và có ý kiến trả lời bằng văn bản tới các doanh nghiệp. Đối với những nội dung kiến nghị vượt thẩm quyền của tỉnh, cần tổng hợp, báo cáo đề xuất kịp thời đối với trung ương. Từng ngành, từng địa phương cần nghiêm túc rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong tổ chức thực hiện đối với những nội dung còn để xảy ra những yếu kém, chậm được khắc phục, các chỉ số giảm điểm trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. UBND tỉnh cần chỉ đạo ngay việc xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi phát triển kinh tế do tác động của COVID-19 trên địa bàn tỉnh, xác định rõ chủ trương, lộ trình, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện trên tinh thần 5 “rõ”. Trước mắt, ưu tiên tập trung thực hiện một số nội dung như: Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh; phối hợp tốt với các tỉnh, thành phố khác tạo để điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hoá và đi lại của chuyên gia, người lao động; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, các dự án trọng điểm của tỉnh; đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, cần phải nâng cao chất lượng đối thoại, xử lý sau đối thoại với các doanh nghiệp; nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh phải quán triệt nghiêm túc tinh thần của Chính phủ với phương châm, quan điểm “chính quyền kiến tạo”; thay đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” với mục tiêu xuyên suốt là “vì doanh nghiệp”.

TD – VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: