Thứ năm, ngày 21/11/2024

Khám phá Bàn Cờ Tiên trên đỉnh non thiêng

Thứ Sáu 05/04/2024 13:56

Xem với cỡ chữ
Người xưa cho rằng các vị thần tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy tiếng người vội bay về trời để lại bàn cờ đang đánh dở nên nơi đây còn được gọi là Bàn Cờ Tiên.


Dù trời có mưa xuân lắc rắc nhưng đường đến Bàn Cờ Tiên liên tục có du khách lên xuống

Đến với Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) vào dịp đầu xuân, du khách khắp nơi không chỉ được đắm mình vào không khí linh thiêng của lễ hội đậm chất văn hóa, lịch sử mà còn được hòa vào không gian bạt ngàn màu xanh của núi rừng Côn Sơn.

Trong đó, Bàn Cờ Tiên là một điểm đến nhiều du khách không thể bỏ qua trong chuyến hành hương của mình.


Ở nhiều chỗ, sương mù đặc quánh, khung cảnh đường lên núi Côn Sơn giống như Sa Pa, Đà Lạt

Mưa xuân bay lất phất, càng lên cao sương mù càng dày đặc, các bậc đá cao thấp ngoằn ngoèo cũng không thể cản bước của một du khách lớn tuổi từ Thủ đô về trảy hội mùa xuân. Bà Nguyễn Thị Thương năm nay 70 tuổi, đã đến Côn Sơn - Kiếp Bạc nhiều lần nhưng đây là lần đầu khám phá Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn. Dù hai người con đi sẵn hai bên song bà Thương không cần níu tay con, vẫn chậm rãi bước lên từng bậc.

"Những người già như chúng tôi vào chùa như được tiếp thêm sức mạnh nên mọi mệt mỏi đều tan biến. Dù chưa lên đến Bàn Cờ Tiên, song cảnh sắc hai bên đường rất đẹp và có nhiều du khách liên tục lên xuống. Lần này đến được Bàn Cờ Tiên là tôi mãn nguyện", bà Thương cho biết.


Nhiều du khách lớn tuổi cho biết dù lên Bàn Cờ Tiên phải lên nhiều bậc đá xong mọi mệt mỏi, ưu phiền dường như tan biến

Không chỉ những người lớn tuổi, Bàn Cờ Tiên cũng là điểm đến được nhiều du khách trẻ lựa chọn trong hành trình về với đất tổ Côn Sơn. Em Trương Thúy Quỳnh cũng đến từ Hà Nội, kể đây là lần đầu tiên đến với Bàn Cờ Tiên. Dù chưa biết nhiều về lịch sử, văn hóa của địa điểm này song em sẽ tìm kiếm thông tin để thêm hiểu biết. Thúy Quỳnh cho biết không nghĩ ngay gần Hà Nội lại có một địa điểm leo núi tuyệt vời như thế này. Càng lên cao sương mù càng dày đặc, cảnh sắc hệt như Đà Lạt hay Sa Pa. "Chắc chắn em sẽ cùng các bạn trở lại đây leo núi", Thúy Quỳnh nói.

Sau khi dâng hương, vãn cảnh chùa Côn Sơn, các đền thờ nằm trong di tích, du khách sẽ bắt đầu một hành trình leo núi đến với Bàn Cờ Tiên. Có hai đường để leo lên đỉnh núi. Du khách có thể bắt đầu từ phía sau Lầu Quán Thế Âm với trên 700 bậc đá để lên Bàn Cờ Tiên nằm ở độ cao 231 m so với mực nước biển. Hoặc du khách có thể đi theo đường từ phía đền thờ Trần Nguyên Đán với chiều dài, độ dốc tương đương. Nếu thong dong, vừa đi vừa nghỉ, chỉ sau khoảng 1 giờ du khách sẽ đặt chân lên đỉnh núi.


Những cây đào nở muộn ven đường lên đỉnh núi khiến cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân càng thêm thi vị

Núi Côn Sơn còn gọi là núi Kỳ Lân. Núi dài 1.400 m, bắt nguồn từ dãy Yên Tử và Huyền Đinh đột khởi mà thành. Đỉnh núi có khu đất bằng phẳng, trời đất giao hòa, khí thiêng ngùn ngụt, thần tiên ngự trị. Vào thời Trần, Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả xây dựng Côn Sơn thành trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, đã cho dựng am trên đỉnh núi làm nơi tụng kinh, tu thiền thuyết pháp và là nơi các đạo sĩ tu tiên luyện đan. Nơi đây thường có mây trắng bao phủ nên được gọi là Am Bạch Vân (tức Am mây trắng).

Danh nhân ở các triều đại khi về Côn Sơn an trí, du ngoạn như Trần Nguyên Đán, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát... đều lên Am Bạch Vân thưởng ngoạn cảnh đẹp, sáng tác thi ca và suy tư việc nước.


Trên Bàn Cờ Tiên luôn bày sẵn các quân cờ để mời du khách

Chuyện xưa cho rằng, đây là nơi trời đất giao hòa, thần tiên chọn làm nơi giao tiếp với hạ giới. Vào những ngày mây trắng bao phủ, tiên trên trời thường xuống đánh cờ. Một sớm mùa thu, các thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm lên đỉnh núi. Gần tới nơi nghe có tiếng đàn, tiếng sáo văng vẳng nhưng đến nơi thì tịch không một bóng người, chỉ thấy có một bàn cờ đang đánh dở. Mọi người cho rằng các vị thần tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy tiếng người vội bay về trời để lại bàn cờ đang đánh dở nên nơi đây còn được gọi là Bàn Cờ Tiên.

Qua khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích của Am Bạch Vân, nền kiến trúc cổ hình chữ "Công". Năm 1992, trên đỉnh Bàn Cờ Tiên dựng một nhà bia, kiến trúc kiểu vọng lâu, hai tầng tám mái cổ kính, cảnh quan được cải tạo, kè đá xung quanh, trồng cây xanh.


Một đôi bạn trẻ thử sức một ván cờ ngay trên Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn

Để thuận lợi cho du khách, đường lên Bàn Cờ Tiên đã được kè đá ong chắc chắn. Vào những ngày ẩm ướt, càng lên cao, dù mây mù giăng kín lối thì đường đi cũng không trơn trượt. Để đến được đích của hành trình, du khách không chỉ leo lên các bậc đá mà còn đi qua nhiều khu vực có địa hình bằng phẳng hoặc lúc lên lúc xuống. Hai bên đường lên núi là rừng thông ken đặc. Càng lên cao tầm nhìn càng giảm. Ở những nơi sương mù phủ kín, chỉ thấy tiếng gọi nhau phía trước chứ chẳng thấy người.

Đến Bàn Cờ Tiên, đứng trên đỉnh non cao kỳ vĩ, quang cảnh linh thiêng, trời đất giao hòa, khí thiêng hội tụ... chốn bồng lai tiên cảnh là đây!

baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: