Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được nâng cao.
Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đối với cấp huyện, xã, làng nghề năm 2022
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh Hải Dương đã tích cực quán triệt, triển khai sâu rộng đến 100% cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn lao động, vệ sinh lao động được đổi mới về hình thức, nội dung, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền cho người sử dụng lao động, người lao động về pháp luật lao động, các chính sách và các quy định về an toàn vệ sinh lao động; tổ chức tọa đàm, các hội thi tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động; xây dựng các phóng sự, tin, bài về an toàn vệ sinh lao động phát sóng, đăng tải trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các đài địa phương…
Nhờ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn lao động, vệ sinh lao động nên số vụ tai nạn lao động có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2014 - 2022, địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng số 1.395 vụ tai nạn lao động, trong đó số người chết là 165 và bị thương nặng 560 người. Đặc biệt, năm 2022 tình hình tai nạn lao động chết người trên địa bàn tỉnh có sự giảm mạnh cả về số vụ và số người chết so với năm 2021 (tính cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Năm 2022, có 10 vụ tai nạn lao động chết người, giảm 19 vụ, giảm 65,52% và có 10 người chết, giảm 22 người, giảm 68,75% so với năm 2021.
Các hoạt động dịch vụ về an toàn vệ sinh lao động như huấn luyện an toàn lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động… ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và được quản lý ngày càng chặt chẽ góp phần đảm bảo các điều kiện an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 đơn vị được cấp phép hoạt động huấn luyện ATVSLĐ 04 đơn vị quan trắc môi trường lao động và 01 đơn vị được cấp phép hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Đồng thời, công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp được quan tâm; chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sử dụng lao động hằng năm phải thực hiện công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, cải thiện môi trường lao động, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Hằng năm, có khoảng 200.000 người lao động được huấn luyện ATVSLĐ, 4.000 máy, thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn; 150.000 người được khám sức khỏe định kỳ,...
Công tác phối hợp triển khai công tác ATVSLĐ giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Năng lực mạng lưới làm công tác ATVSLĐ được cải thiện rõ dệt. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSLĐ được các cấp các ngành xử lý quyết liệt. Hằng năm, đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động. Từ năm 2014 - 2022 đã tiến hành 821 cuộc thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động, ATVSLĐ và thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với 197 lượt tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, với tổng số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động và yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức khắc phục. Cùng với đó, đa số các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đã chủ động tự kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác an toàn vệ sinh lao động; quan tâm áp dụng biện pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nhằm giảm thiểu sức lao động; chủ động thành lập các bộ phận theo dõi, quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc. Nhận thức của người lao động về các yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động và biện pháp phòng, chống được nâng lên.
Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, thành phố Hải Dương tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Qua thực tiễn 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh, rút ra một bài học kinh nghiệm, đó là:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nâng cao, nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, huấn luyện về ATVSLĐ đạt hiệu quả tích cực.
Hai là, hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp gắn với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Quan tâm tới doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đối tượng lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Quan tâm công tác xây dựng và phát triển văn hóa ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể trong công tác thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nguy cơ gây mất ATVSLĐ của doanh nghiệp. Chủ động các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các ngành nghề có nhiều nguy cơ TNLĐ, BNN; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; chia sẻ các bài học, kinh nghiệm hay của các cơ sở làm tốt.
Bốn là, đầu tư nguồn lực để thực hiện triển khai công tác ATVSLĐ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.