Thứ bảy, ngày 27/4/2024

Một số kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tại Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

Thứ Sáu 10/02/2023 09:52

Xem với cỡ chữ
Trường chính trị tỉnh Hải Dương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị trong tỉnh về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Trường Chính trị tỉnh

Năm 2022, năm đầu tiên nhà trường triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 30/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021 - 2030. Mặc dù trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với quyết tâm chính trị cao, nhà trường đã linh hoạt tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến, kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến, đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022.

Về công tác đào tạo: Nhà trường tổ chức mở mới 19 lớp Trung cấp lý luận chính trị với trên 1.090 học viên, trong đó, có 06 lớp Trung cấp lý luận tập trung với gần 300 học viên, vượt kế hoạch được giao (kế hoạch tỉnh giao là 03 lớp Trung cấp lý luận chính trị với 210 học viên, trong đó có 01 lớp tập trung).

Về công tác bồi dưỡng: Nhà trường tổ chức 01 lớp chuyên viên, 01 lớp chuyên viên chính và 01 lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (đạt kế hoạch được giao).

Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khóa 37

Ngoài ra, nhà trường đã mở 30 lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026; 24 lớp bồi dưỡng cấp ủy cấp xã; 10 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho chủ tịch, phó chủ tịch cấp xã; 04 lớp bồi dưỡng kỹ năng và cập nhật kiến thức mới cho phó bí thư thường trực đảng ủy, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở. Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đảm bảo đúng nội dung, chương trình và chất lượng theo quy định.

Về công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế: Nhà trường tổ chức thực hiện 4 đề tài cấp trường, 3 hội thảo cấp trường. Nội dung các đề tài, Hội thảo khoa học hướng mạnh vào việc đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Ben cạnh đó, cán bộ, giảng viên nhà trường tích cực nghiên cứu, viết tài liệu bồi dưỡng; viết bài đăng trên các tạp chí, hội thảo trong nước và quốc tế (có 03 lượt cán bộ, giảng viên viết bài tham gia Hội thảo khoa học quốc tế, 05 bài báo đăng trên tạp chí Trung ương, xuất bản được 05 sách, tài liệu tham khảo).

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung đi nghiên cứu thực tế của giảng viên. Năm 2022, nhà trường đã tổ chức cho giảng viên các khoa đi nghiên cứu thực tế tại 16 đơn vị hành chính cấp xã. Chủ đề nghiên cứu là các vấn đề trong công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị, công tác quản lý hành chính nhà nước và tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Sau nghiên cứu các khoa có báo cáo tổng kết, từng giảng viên viết báo cáo của cá nhân và được nghiệm thu, đánh giá.

Năm 2023, nhà trường được giao đào tạo 180 chỉ tiêu Trung cấp lý luận chính trị, 140 chỉ tiêu bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, trên 2000 chỉ tiêu bồi dưỡng khác. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhà trường xác định  một số giải pháp chủ yếu:

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với công nghệ chuyển đổi số. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý học viên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, dạy và học; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý các khoa phòng để đạt được các tiêu chí về đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường theo các mức chuẩn 1, chuẩn 2 của trường chính trị chuẩn. Đổi mới công tác quản lý, điều hành; cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng trường học thông minh... để giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng đủ tầm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới gắn với khung vị trí việc làm. Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên theo hướng đa dạng, hiệu quả, thiết thực. Tham mưu cho Tỉnh uỷ xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới.v.v.

Phạm Thị Hoài, VPTU (Nguồn Trường Chính trị tỉnh)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: