Theo báo cáo của Sở Y tế, đến nay tình hình dịch ở tỉnh ta cơ bản đang trong tầm kiểm soát. Trên địa bàn tỉnh đã 10 ngày qua không có ca mắc mới, 33 ngày qua không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng.
Hình ảnh: Các bạn sinh viên tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh bạn
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 27/7 đến ngày 12/9/2021, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 137 ca mắc, 125 người đã được điều trị khỏi, 01 ca tử vong, 02 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, hiện còn 09 bệnh nhân đang điều trị (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh 06, Trung tâm y tế huyện Nam Sách 03). Trên địa bàn tỉnh đã 10 ngày qua không có ca mắc mới và 33 ngày qua không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng.
Từ ngày 27/7 đến ngày 12/9/2021, toàn tỉnh đã xét nghiệm RT-PCR 508.138 lượt người, ngoài ra một số đơn vị xét nghiệm dịch vụ ngoài ngành y tế (Phòng khám Medlatec Hải Dương, BV Hòa Bình, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương…) đã xét nghiệm hàng nghìn lượt người (các xét nghiệm dịch vụ RT-PCR đến nay không phát hiện trường hợp mắc Covid nào). Trong 02 ngày (11 và 12/9), Đoàn công tác đã lấy mẫu và xét nghiệm hỗ trợ thành phố Hà Nội 60.930 người bằng RT-PCT tại CDC Hải Dương , kết quả tất cả đều âm tính.
Đến ngày 12/9/2021, toàn tỉnh đã tiêm được 304.013 liều, trong đó 176.255 liều mũi 1 và 127.760 liều mũi 2. Số người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vắc xin là: 414 người Hàn Quốc , 269 người Nhật Bản, 1.500 người Trung Quốc và 150 người Đài Loan.
Để chủ động ứng phó với các mức độ lây nhiễm với số lượng người mắc mới có thể tăng lên đến 5.000 người, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2956/KH-UBND ngày 13/8/2021 về dự phòng, điều trị Covid-19 trong tình hình mới, trong đó xây dựng trọng tâm 3 cấp độ dịch và 4 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19. Thiết lập hệ thống Hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng theo các cấp độ dịch. Hiện tại có gần 100 giường hồi sức cấp cứu ở các bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Phổi Hải Dương đã được cải tạo sửa chữa cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, hệ thống oxy trung tâm để tiếp đón, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Tùy theo diễn biến dịch bệnh, trường hợp cần thiết sẽ cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Phổi Hải Dương trở thành bệnh viện Hồi sức cấp cứu của toàn tỉnh với quy mô lên đến 250 - 300 gường hồi sức cấp cứu.
Ngoài ra, Sở Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nặng theo phương châm "4 tại chỗ", gồm: 60 bác sĩ, 160 điều dưỡng, 35 kiểm soát nhiễm khuẩn. Tích cực huy động các lực lượng y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu (có đủ điều kiện). Đến nay, Sở Y tế đã huy động được gần 150 cán bộ y tế tư nhân sẵn sàng tham gia và nhiều cán bộ y tế đã nghỉ hưu viết thư tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch.
Đi đôi với sự chủ động nguồn nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch, tỉnh ta còn cử các Đoàn cán bộ y tế hỗ trợ các tỉnh, thành phố bạn. Hiện nay, đã cử 71 cán bộ y, bác sỹ hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 7 tại TP. Hồ Chí Minh; 226 cán bộ y, bác sỹ và sinh viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức xét nghiệm cho 02 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ của TP. Hà Nội. Ngoài ra, Trường ĐHKT Y tế Hải Dương đã cử 02 Đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (528 cán bộ, giảng, sinh viên), hiện Đoàn công tác số 2 gồm 207 cán bộ, sinh viên vẫn đang ở Bình Dương; Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cử Đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh phía Nam (50 cán bộ, sinh viên).
Nhìn chung, đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh ta cơ bản đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tăng cường năng lực phát hiện sớm ca bệnh để xử trí kịp thời.