Thứ hai, ngày 25/11/2024

Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương: Bài cuối: Phát huy giá trị văn hóa

Thứ Bảy 31/07/2021 15:37

Xem với cỡ chữ
Để phát huy những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều việc cần làm.

 


Phát huy truyền thống văn hóa hiếu học xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống

Những giá trị tích cực của văn hóa có tác động rất lớn, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đất nước cũng như mỗi địa phương. Để phát huy những mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều việc cần làm.

Trước tiên là quán triệt quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI. Đó là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Thứ hai, xây dựng nội dung và đưa vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, kể cả các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, các nội dung về văn hóa xứ Đông; xây dựng con người Hải Dương có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đồng thời giáo dục truyền thống về lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Hải Dương và của từng địa phương trong các trường học. Trong hệ thống nhà trường phổ thông phải xây dựng và duy trì rèn luyện học sinh theo một chuẩn mực giá trị đạo đức, lối sống, phù hợp với mỗi cấp học, mỗi lứa tuổi.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, xây dựng và phát huy lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Xây dựng và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn mực văn hóa con người xứ Đông. Trong đó quan tâm xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa của người Hải Dương trong cộng đồng và cơ quan, công sở, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động, phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để nâng cao thể lực, tầm vóc con người, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đi vào thực chất. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa. Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Thứ năm, phát huy giá trị những di tích lịch sử, địa chỉ văn hóa trên địa bàn tỉnh như Bảo tàng tỉnh, các công trình văn hóa, di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, đền thờ Nhà giáo Chu Văn An... để giáo dục truyền thống cho các thế hệ và phát triển du lịch.

Thứ sáu, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghề, kỹ năng nghề để có đội ngũ lao động chất lượng cao. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện để giáo dục nghề nghiệp phát triển, trở thành ngành đào tạo quan trọng trên nền tảng truyền thống hiếu học của văn hóa xứ Đông.

Thứ bảy, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Để thực hiện tốt nội dung này, một mặt nâng cao chất lượng việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mặt khác siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, tổ chức; thực hiện mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với xác định trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các chủ thể (giám sát trong nội bộ Đảng, giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước, của MTTQ và các đoàn thể).

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân.

Để đưa nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào thực tiễn cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, tổ chức cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung quan trọng, cốt yếu của nghị quyết để chuyển tải đến mỗi người dân cùng đồng lòng, phối hợp thực hiện.

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: