Các hệ thống bán lẻ đã kết nối với nhà cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn dự tính tiếp tục “tung” ra thị trường hơn 300.000 khẩu trang.
Một góc dây chuyền sản xuất khẩu trang kháng khuẩn của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Bộ Công Thương cho biết tính đến ngày 10/2, các hệ thống bán lẻ đã kết nối với nhà cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn dự tính tiếp tục “tung” ra thị trường hơn 300.000 khẩu trang.
Hệ thống siêu thị Big C đã có hợp đồng với 1 nhà cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn. Dự kiến cuối tuần này sẽ nhập về 100.000 chiếc khẩu trang đầu tiên.
Ngoài ra, Công ty CP thương mại và dịch vụ Hoàng Dương (Thương hiệu Canifa) đã kết nối với Viện Dệt May để có lô vải kháng khuẩn may 100.000 khẩu trang và vẫn đang duy trì bán 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn trong ngày 09/02.
Công ty Cổ phần Dự Kim (Thương hiệu Ivy) đã kết nối với Viện Dệt May để lấy lô vải kháng khuẩn đủ may 100.000 chiếc khẩu trang.
Hệ thống siêu thị Vinmart cũng giới thiệu 3 nhà cung cấp đối tác làm việc với Viện Dệt may để lấy vải kháng khuẩn.
Trong khi đó, Saigon Co.op sáng ngày 10/02 mới được Dệt kim Đông Xuân (Doximex) bàn hợp đồng cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn.
Trước đó, Vụ Thị trường trong nước ( Bộ Công Thương ) đã liên hệ với một số nhà phân phối khẩu trang về địa điểm và số lượng bán khẩu trang.
Theo thông tin một số nhà phân phối cung cấp, người dân có thể mua khẩu trang tại Công ty TNHH Aeon Việt Nam: từ tháng 2-4/2020, tại 5 trung tâm bách hóa và siêu thị tổng hợp của Aeon có khả năng cung ứng trung bình hơn 1 triệu chiếc khẩu trang/tháng, tương đương với khoảng hơn 33.000 chiếc/ngày. Người dân có thể xếp hàng để mua tại các điểm bán phù hợp, mỗi người được mua tối đa 2 hộp, mỗi hộp 30 chiếc.
Tại các cửa hàng thời trang Canifa, từ ngày 11/2, có thể cung cấp tối đa khoảng 30.000 chiếc khẩu trang trên kênh bán lẻ của Canifa và một số trang thương mại điện tử.
Cùng với đó là hệ thống siêu thị của Saigon Co.op sẽ đều đặn cung cấp 200.000 chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày với giá không đổi.
Hơn nữa, các sản phẩm khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn hiện đang được bán tại 5 điểm bán hàng và các cửa hàng được cấp khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty Dệt kim Đông Xuân hàng giờ/ngày, mỗi khách hàng được mua 5 chiếc để bảo đảm mọi khách hàng đều có thể mua được sản phẩm.
Tại hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc, hiện có bán một số loại khẩu trang 3D (ngăn khói bụi, ngăn virus, loại dành cho trẻ em, loại vải...). Tại hệ thống của siêu thị Big C Thăng Long đang có kế hoạch bán hơn 64.000 khẩu trang các loại.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Dệt may Huế sẽ tặng 50.000 khẩu trang phòng chống dịch bệnh do virus corona cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Loại khẩu trang được làm bằng vải 2 lớp kháng khuẩn, dành cho người lớn và trẻ em trên địa bàn.
Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết riêng ngày 10/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 65 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế vi phạm; trong đó, xử lý 14 cơ sở, xử phạt 4,5 triệu đồng, tạm giữ 123.415 chiếc khẩu trang, 1.756 chai gel nước rửa tay và 150kg nước rửa tay khô.
Cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 10/2, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế vi phạm.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, do nguồn cung các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh chưa được cải thiện nên hiện tượng khan hàng đối với các mặt hàng trên xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố.
Chẳng hạn như tại thành phố Hà Nội, tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế tiếp tục xảy ra tại phần lớn các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.
Ngày 9/2, Đội Quản lý thị trường số 6 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH thương mại phát triển Việt Phú, địa chỉ số 28 BT6 Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội phát hiện Công ty cho ông Guo Cailin, quốc tịch Trung Quốc để nhờ 100.000 chiếc khẩu trang 3 lớp (2.000 hộp) hiệu Face Mask do Công ty cổ phần dược và thiết bị y tế Phúc Hà (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) sản xuất.
Ông Guo Cailin cho biết đã thu mua khẩu trang trên thị trường và thuê biệt thự làm nơi tập kết để mang sang biên giới tiêu thụ.
Hiện tại đối tượng này chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 100.000 chiếc khẩu trang trên nên số 6 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xử lý theo quy định của pháp luật./.