Thứ hai, ngày 20/5/2024

Tứ Kỳ tích cực chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ mùa

Thứ Năm 23/05/2019 14:24

Xem với cỡ chữ
Vụ mùa năm nay, huyện Tứ Kỳ có kế hoạch gieo cấy 7.450 ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng thóc đạt hơn 40.900 tấn.

Vụ mùa năm nay, huyện Tứ Kỳ có kế hoạch gieo cấy 7.450 ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng thóc đạt hơn 40.900 tấn. Trong đó, trà mùa sớm chiếm 15% diện tích, sử dụng các giống KD18, Bắc Thơm, Bắc thơm 7-Kháng bạc lá, P6, nếp, lúa lai TH3-3....; cấy trên đất vàn cao dễ thoát nước; thời gian gieo mạ từ ngày 10 - 25/6, cấy từ ngày 20 - 30/6 và cho thu hoạch từ ngày 15 - 30/9/2019 để bố trí diện tích trồng cây vụ đông sớm. Trà mùa trung chiếm 85% diện tích, sử dụng các giống Q5, KD18, Nếp 97, BT7-KBL, Thiên ưu 8, VS1, RVT...; bố trí thời vụ gieo cấy để lúa trỗ từ ngày 1-15/9 và thu hoạch từ ngày 01 - 15/10/2019 để giải phóng đất, trồng cây vụ đông chính vụ.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện gieo cấy một vùng, một trà lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh, chuột hại và góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào làm đất, gieo cấy, thu hoạch bằng máy gặt đập... nhằm giảm chi phí sản xuất và tranh thủ được các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Xây dựng cơ cấu trà và giống phù hợp cho mỗi khu đồng để chủ động chỉ đạo, vận động nông dân thực hiện ngay từ khâu chuẩn bị giống và làm đất; chú trọng công tác tuyên truyền và khuyến nông. Đối với công tác thủy lợi, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn năm 2019; chủ động việc khơi thông dòng chảy, gạn tháo nước đệm và tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra. Nghiêm cấm việc vận hành các cống dưới đê trong mùa mưa bão khi chưa được UBND huyện cho phép bằng văn bản.

Do việc thu chiêm và làm mùa diễn ra đồng thời, quỹ thời gian rất ngắn nên các địa phương cần chỉ đạo cày và lồng ngả ngay sau khi gặt xong lúa chiêm xuân để đất ngấu, rạ nhanh hoai mục, hạn chế sâu bệnh cho lúa mùa. Đặc biệt, những diện tích triều trũng, sau khi gặt xong phải tiến hành cày ngay, tránh để tình trạng khi cày thì không có nước hoặc nước ngập sâu không cày được dẫn đến cấy muộn dễ ngập úng làm lúa chết hoặc sinh trưởng kém. UBND các xã, thị trấn, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện trong việc hướng dẫn nông dân chuẩn bị giống, xử lý giống chuyển vụ; phối hợp với các đơn vị kinh doanh để cung ứng các giống, phân bón đảm bảo chất lượng và kịp thời cho nông dân. Đối với diện tích trũng cần chuẩn bị giống mạ dự phòng bằng cách giữ lại toàn bộ mạ mùa trung còn dư thừa để cấy lại nếu ngập úng xảy ra và làm chết lúa. Dự phòng bằng giống KD18, mộc tuyền nếu bị ngập úng thì gieo mạ dược, mạ sân vào cuối tháng 7 và cấy lại chậm nhất đến ngày 5/8. Tăng cường mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật tới các hộ nông dân. Chỉ đạo nông dân bón lót sâu ngay từ khi bừa cấy để hạn chế sự phân hủy, rửa trôi, cung cấp sớm và đủ chất dinh dưỡng cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra các điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống. Các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố hoạt động của các tổ, hợp tác làm dịch vụ diệt chuột. Xây dựng một số mô hình sản xuất giống lúa lai ngắn ngày có ưu thế, giống lúa thuần chất lượng, nhằm mở rộng và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Huyện sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ giá giống để tổ chức sản xuất thành vùng tập trung; nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp tục xây dựng các mô hình đầu tư sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.

Ở vụ mùa ngoài sâu bệnh thường gây hại nặng, đặc biệt là bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn thì thời tiết cũng thường xuyên diễn biến phức tạp từ đầu vụ đến cuối vụ như: Nắng nóng, khô hạn, mưa úng, gió bão gây ảnh hưởng tới thời vụ gieo cấy và quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa sau khi cấy. Ngoài ra, do điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả sản xuất thấp nên tình trạng bỏ ruộng không sản xuất đã xảy ra và đang có xu hướng ngày một gia tăng. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động và tạo điều kiện cho những hộ và những tập thể tham gia khắc phục diện tích bỏ cấy; cải tạo hệ thống đường giao thông nội đồng, lồng ghép chương trình hỗ trợ giá giống của tỉnh, huyện để giảm bớt khó khăn, chi phí sản xuất; chỉ đạo sát sao việc phục vụ tưới tiêu nước, diệt chuột; xây dựng và triển khai đề án khắc phục việc bỏ cây theo tinh thần Thông tư số 47 của Bộ NN - PTNT về hướng dẫn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Đối với tình trạng gieo cấy muộn ở một số địa phương cần tập trung tuyên truyền vận động, hướng dẫn bố trí cơ cấu giống phù hợp, lịch gieo cấy và lịch điều tiết nước; đối với những xã có đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua, thường xuyên kiểm tra các cống, các kênh tiêu qua đường cao tốc để chủ động xử lý kịp thời.

Nguyễn Thị Hoan (Tứ Kỳ)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: