Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Bức tranh kinh tế-xã hội Hải Dương 6 tháng đầu năm 2024. Bài 2: Công nghiệp là mũi nhọn tăng trưởng

Thứ Sáu 05/07/2024 14:19

Xem với cỡ chữ
Công nghiệp là ngành sản xuất trọng điểm, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng kinh tế của Hải Dương. Kết quả tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu do sức kéo của “đầu tàu” công nghiệp.

Công nghiệ

Sản xuất công nghiệp là điểm sáng của nền kinh tế Hải Dương 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Thành Chung

Điểm sáng

6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 13,9%, đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng. Đà tăng trưởng này duy trì từ những tháng cuối năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục đạt mức cao trong thời gian tới khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. 34 trong số 36 ngành công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng cao, đồng đều.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,9% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 1,8 điểm %. Nguyên nhân do 2 doanh nghiệp nhiệt điện trên địa bàn tỉnh được huy động sản xuất với công suất cao ngay từ đầu năm. Riêng Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã khắc phục xong sự cố của tổ máy S6 nên sản lượng điện 6 tháng đầu năm 2024 tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, 5 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sơ bộ từ mảng sản xuất điện của doanh nghiệp đạt 135 tỷ đồng, với sản lượng sản xuất ước đạt 2,2 tỷ kWh.

Ngành sản xuất thiết bị điện tăng trưởng cao với mức tăng 45% do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện phát triển…

Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,1% và tăng chủ yếu do sản xuất phụ tùng ô tô. Thời gian gần đây, nhu cầu mua xe ô tô ngày càng tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, bộ phận phụ trợ xe ô tô phát triển, tăng trưởng. Cùng với đó, nhu cầu về sản phẩm điện tử, thiết bị điện tử tăng cao đã tạo động lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển. Vì vậy, ngành sản xuất này tăng trưởng gần 11%.

Thời gian qua, ngành may mặc phục hồi và phát triển trở lại khi thị trường xuất khẩu được khơi thông. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2024. Nhờ vậy, ngành hàng này tăng 13,4%. Sản xuất, chế biến thực phẩm với sản phẩm chính là thức ăn chăn nuôi cũng đạt mức tăng 12%. Ngành sản xuất này đang đứng trước cơ hội “vàng” khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao trong khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đang chạm đáy.

Theo Cục Thống kê tỉnh, 5 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương đạt 12,1%. Đây là mức tăng trưởng khả quan, đánh dấu sự phát triển trở lại của hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi nói chung.

Ngoài những ngành công nghiệp tăng trưởng tích cực ở mức cao thì tỉnh có 2 ngành vẫn gặp khó khăn và phục hồi chậm. Ngành sản xuất từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói) giảm 6,9% do thị trường vật liệu xây dựng còn trầy trật khi bất động sản vẫn gặp khó, chưa tạo cú hích cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, khi các dự án đầu tư công, đầu tư tư khởi động và đẩy nhanh tiến độ thì tăng trưởng của ngành này sẽ cải thiện. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng giảm 2,2% vì một số mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, một số mỏ đã đấu thầu đang trong giai đoạn thẩm định, thăm dò nên chưa có sản phẩm.

Tạo động lực thúc đẩy

z5580279754348_1303ecb946a19c9f99129fce9cf735fa.jpg

Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục thu hút các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn

Cùng sự phục hồi của kinh tế nói chung thì mức tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp Hải Dương chính là do sự chủ động, khẩn trương của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đề ra các giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả.

Xác định bứt phá trong phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự lan tỏa, kích thích các lĩnh vực khác tăng trưởng, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế trọng điểm này. Cấp ủy, chính quyền chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI của Hải Dương tăng 15 bậc, đứng thứ 17 cả nước). Tỉnh tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, đầu tư; chủ động xúc tiến thương mại, đầu tư; đơn giản hóa giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội để thu hút đầu tư…

Dù công nghiệp là lĩnh vực nổi trội nhưng theo diễn biến tăng trưởng nửa đầu năm 2024 thì trong quý II, sản xuất công nghiệp của Hải Dương có dấu hiệu chững lại. Nhiều ngành trong quý I với mức tăng đột biến (trên 20%) đã tăng chậm lại như dệt, sản xuất giấy, cao su và nhựa, gỗ nội thất… Đồng thời một số ngành mũi nhọn của tỉnh là sản xuất thực phẩm, giầy da, ô tô và phụ tùng cũng tăng trưởng chậm hơn. Thực tế này đòi hỏi tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, duy trì mức tăng trưởng cao hơn.

Để duy trì mức tăng trưởng cao, ổn định và bền vững, thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công giai đoạn 2023-2025 và khuyến công địa phương. Đồng thời tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn… Từ đó tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, giảm ngành khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên. Nhờ đó sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của tỉnh.

Kỳ sau: Đột phá về thu ngân sách

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: