Để thực hiện tốt Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa
Ngày 27 tháng 6 năm 2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là Luật) có tác động lớn đến đời sống xã hội, trực tiếp điều chỉnh hoạt động giao thông đường bộ và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân trong tỉnh nắm, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Luật, tham gia giao thông an toàn; trong đó, xác định vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT; UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật; các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT; tình hình, kết quả công tác bảo đảm TTATGT đường bộ; những hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt; trách nhiệm, ý thức thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông, văn hóa ứng xử, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục Luật theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả, kết hợp giữa truyền thống và sử dụng công nghệ thông tin, tăng cường tuyên truyền cá biệt, phải gắn với công tác chuyên môn và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đối tượng tuyên truyền như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; cơ quan thông tấn báo chí; các trang mạng xã hội; các cuộc họp, sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; đăng tải thông tin, tài liệu tuyên truyền trên các Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản tổ chức thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo đúng quy định, đúng thẩm quyền; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc; huy động sức mạnh của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông nói chung và tuyên truyền Luật nói riêng. Chỉ đạo các lực lượng, đặc biệt là Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân. Phối hợp với Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng tải Luật và tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để phục nhu cầu tìm hiểu, khai thác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân.
Cùng với đó, yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban An toàn giao thông cấp huyện, các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật và văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Bảo đảm 100% các cơ quan, ban, ngành, các thôn, tổ dân phố thông qua các hội nghị hoặc lồng ghép trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố để phổ biến, tuyên truyền Luật...