Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Nông dân huyện Cẩm Giàng năng động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nông nghiệp

Thứ Ba 15/10/2024 09:34

Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nông nghiệp đã tạo điều kiện cho nông dân huyện Cẩm Giàng nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra, nâng cao độ tin cậy sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời giúp nông dân quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập ổn định về kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ảnh 2 Cẩm Giàng.jpg

Lãnh đạo HND tỉnh, UBND huyện thực hiện dán tem truy suất nguồn gốc cho sản phẩm Dưa hấu Ngọc Liên

Đồng hành cùng nông dân

Xác định chuyển đổi số là một nội dung rất quan trọng trong công tác của Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã đồng bộ triển khai, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động để chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Cụ thể, Hội Nông dân các cấp thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, lồng ghép các nội dung tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho nông dan trong các buổi sinh hoạt Hội. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn tạo Fanpage, zalo, Facebook để các xã, thị trấn và huyện cập nhật thường xuyên thông tin liên quan đến công tác Hội và phong trào nông dân.

Tháng 01/2022, Hội Nông dân xã Ngọc Liên vận động hội viên thành lập, ra mắt chi Hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dưa hấu thôn Bằng Nghĩa với 46 thành viên, đến nay đã có 65 thành viên tham gia. Để mở rộng thị trường, tạo sự khác biệt, nâng sức cạnh tranh sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho nông dân, đặc biệt là xây dựng thành công thương hiệu "Dưa hấu Ngọc Liên", Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng đã hỗ trợ, kết nối với Công ty cổ phần Công nghệ Xác thực số ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xây dựng quy trình nguyên công mới, cấu hình quy trình nguyên công, ghi chép nhật ký điện tử, đào tạo, hướng dẫn vận hành online và xây dựng mẫu tem cho dưa hấu Ngọc Liên. Công ty thường xuyên cử chuyên gia về tập huấn cho 65 hộ tham gia mô hình, cách vận hành tem truy xuất cho Ban quản lý vận hành tem và bàn giao trên 50.000 tem cho tổ quản lý tem của xã Ngọc Liên.

Tại buổi lễ ra mắt tem truy xuất nguồn gốc, Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng đã ký kết hợp tác thoả thuận hợp tác "chiến lược triển khai mô hình Dưa hấu Ngọc Liên thông qua truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm bền vững và đồng bộ" với Công ty cổ phần hệ sinh thái APDEX, qua đó hướng tới mục tiêu từ mô hình dưa hấu Ngọc Liên sẽ hoàn thiện “mô hình tạo chuỗi" nhằm từng bước thiết lập "Chuỗi dưa hấu Ngọc Liên" tại huyện Cẩm Giàng. Sau khi mô hình được nhân rộng, làm cơ sở tiến hành các thủ tục xin cấp mã vùng trồng, công bố sản phẩm; phối hợp với địa phương tổ chức kết nối tiêu thụ hoặc bao tiêu xuất khẩu các sản phẩm đáp ứng các quy trình, quy định, mục tiêu của "Chuỗi cung ứng nông sản xuyên Việt". Đồng thời tại buổi lễ, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Ngọc Liên cũng ký kết hợp đồng tiêu thụ dưa hấu Ngọc Liên với công ty TNHH Phố Chợ. Những hoạt động trên đã góp phần tạo lập thương hiệu “Dưa hấu Ngọc Liên", thời gian qua, giá dưa luôn đảm bảo cao hơn mức giá thị trường từ 1.200 đến 2.000 đồng/kg. Trong trường hợp mất mùa trừ chi phí giá dưa vẫn cho nông dân thu lãi cao hơn trồng lúa từ 3 đến 4 lần. Việc trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, tiếp tục xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã và đang có tác động lan toả tốt. Nhiều người dân trên địa bàn huyện Cẩm Giàng biết đến sản phẩm dưa hấu Ngọc Liên, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, cùng với thị trường truyền thống Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đã có thêm thị trường Thái Nguyên, Hải Phòng. Với sản phẩm và quy mô hiện tại, dưa hấu Ngọc Liên không đủ cung cấp cho thị trường. ​

Những nông dân sáng tạo ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất

Nhiều HTX và người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng và tích cực đầu tư mua thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tưới tự động cho cây rau màu, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái; hay sử dụng hệ thống thông tin địa lý kết nối với máy tính hoặc điện thoại thông minh giúp người sản xuất có thể dễ dàng theo dõi được sự phát triển của cây trồng, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản.

Huyện Cẩm Giàng có nhiều cây rau mầu có giá trị như vùng chuyên canh sản xuất cây cà rốt với diện tích 500ha, năng suất 480 tạ/ha, sản lượng đạt trên 25.000 tấn. Sản phẩm Cà rốt Cẩm Giàng đã khẳng định thương hiệu, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2017; sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019, cấp lại năm 2022.

May-bay-Khong-nguoi-lai-9096-1599439686_860x0.jpg

Sử dụng thiết bị bay drone phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng được tích tụ ruộng đất 15,2ha của anh Nguyễn Văn Nam thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ

Bên cạnh đó Cẩm Giàng còn có các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn có quản lý, giám sát dịch bệnh chặt chẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là các trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Tổng số gà đẻ trứng trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đạt 344.300 con, đứng đầu trong toàn tỉnh Hải Dương. Sản lượng trứng gà hàng năm đạt 105.000.000 quả. Sản phẩm Trứng gà Cẩm Đông đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Voso năm 2020 và được thương lái từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đến thu mua.

Tiêu biểu như gia đình anh Đào Hữu Thuân – xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng mạnh dạn đầu tư phát triển thành mô hình hiện tại với quy mô 6.000m2 gồm 06 khu trang trại nuôi hơn 70.000 con gà hậu bị và gà đẻ trứng thương phẩm. Các khu chuồng được thiết kế đảm bảo, chuồng lạnh, nuôi lồng, hệ thống hút gió tự động, hệ thống cung cấp thức ăn bán tự động, tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ đồng. Để hiệu quả chăn nuôi cao, gia đình anh đã nhận được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện, và các chuyên gia kỹ thuật của công ty thức ăn chăn nuôi, nên việc  phòng, chống dịch bệnh luôn đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy sản lượng trứng của gia đình luôn ổn định. Năm 2020, tập đoàn Viettell hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử VOSO, làm cho sản phẩm trứng của gia đình bán chạy gấp 2,5 – 3 lần so với trước. Giá bán tăng từ 10 – 15%. Hiện trứng của hộ gia đình bán ra ở hầu hết các tỉnh, thành phía Bắc. Từ thực tế của gia đình, anh Thuân nhận thấy áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho những người nông dân Hải Dương.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có nhiều công ty thu mua, chế biến nông sản với quy mô lớn như Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, Công ty TNHH Green food, công ty TNHH Vạn Đắc Phúc, Công ty TNHH thực phẩm Ánh Dương... thu mua, chế biến các loại nông sản như ớt, hành lá, khoai tây, bí đỏ, rau cải xanh, gừng, tỏi, quế, hồi... việc tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; nhiều sản phẩm sản xuất trên địa bàn huyện đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan…

Năm 2024 ông Nguyễn Đức Mệnh ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng, Hải Dương) vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Ông cũng là người có doanh thu cao nhất trong số 63 nông dân, là một trong những người mua nhiều cà rốt nhất tỉnh. Từ một xưởng chế biến nông sản nhỏ được xây dựng từ đầu những năm 1990, để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Mệnh thường thu mua nông sản của các gia đình khác rồi đem đi các chợ bán kiếm lời. Năm 1992, ông Mệnh mở một xưởng chế biến nông sản nhỏ. Đến tháng 5/2009, ông Mệnh quyết định thành lập Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, sản xuất, kinh doanh trên 30 sản phẩm rau, quả như cà rốt, hành, tỏi, ớt… tươi và sấy khô với gần 40 đối tác trên khắp cả nước. Năm 2021, doanh thu của công ty đạt 68 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận đạt 3 tỷ đồng; năm 2022, doanh thu đạt 77 tỷ đồng; lợi nhuận 4 tỷ đồng; năm 2024, công ty đạt doanh thu 95 tỷ đồng, lợi nhuận 7 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể 120 lao động thời vụ. 

Được biết, Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương do ông Nguyễn Đức Mệnh làm chủ là một trong những đơn vị thu mua, chế biến các loại rau, củ, quả tươi lớn nhất ở Hải Dương, trong đó, riêng thu mua cà rốt thì ông Mệnh là ông chủ thu mua cà rốt nhiều nhất huyện Cẩm Giàng. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày, Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương thu mua từ 100-120 tấn cà rốt. Với những thành tích đã đạt được, ông Mệnh đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Hải Dương vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn tỉnh Hải Dương. ​

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Hội Nông dân huyện đang khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, tích cực quảng bá nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh và hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.​

VPHU Cẩm Giàng

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: