Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Hải Dương: Đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực

Thứ Ba 13/08/2024 08:14

Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi số trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đạt một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

 

Khai trương ứng dụng cho người dân Smart - HaiDuong và Cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp tỉnh Hải Dương

Trong thời gian vừa qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã vào cuộc một cách mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Nhiều hoạt động của tỉnh đã được thực hiện trên môi trường mạng giúp tiết kiệm được thời gian và kinh phí. Nhiều hệ thống thông tin được kết nối, chia sẻ tạo thuận lợi cho hoạt động của chính quyền các cấp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai thác hiệu quả trong nhiều hoạt động liên quan trực tiếp đến người dân nhất là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, lưu trú, an sinh xã hội, ... Các hoạt động nhằm phát triển kinh tế số cũng từng bước được hình thành và phát huy hiệu quả. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ số giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; kỹ năng số cũng dần được cải thiện, dần thay đổi thói quen và hình thành văn hóa số.

Hiện nay, toàn tỉnh 234 sản phẩm OCOP (02 sản phẩm đạt 5 sao, 94 sản phẩm đạt 4 sao và 138 sản phẩm đạt 3 sao); 200 cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng tem truy xuất nguồn gốc... Có 150.104 hộ sản xuất nông nghiệp đang hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 173.732 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, 1.162 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử; phát sinh 41.132 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 7 toàn quốc. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet cáp quang; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%.

Toàn tỉnh hiện có 390 điểm phục vụ bưu chính, mỗi điểm có bán kính phục vụ bình quân 1,2 km, phục vụ mức dân số bình quân 3.500 người. Có 3.229 trạm thu phát sóng di động (BTS) tại 1.565 vị trí. Phủ sóng 3G, 4G tới 100% dân số của tỉnh. Hơn 1,7 triệu thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone, đạt 87% điện thoại thông minh/100 dân.

Đến nay đã tích hợp được 619 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.911 dịch vụ công, trong đó có 454 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 932 dịch vụ công trực tuyến một phần. Theo thống kê từ Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 87%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 16%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 83%; tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến đạt 100%. Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt mức 98,89%.

6 tháng năm nay, toàn tỉnh tiếp nhận 264.456 hồ sơ trực tuyến thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, chiếm 93% số hồ sơ nộp, tăng gần 18% so với cuối năm 2023. Mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia ở mức cao. Trong đó tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 99%. Tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 95,55%. Đồng thời, triển khai tập huấn kỹ năng số cho gần 3.600 học viên là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh qua nền tảng trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào mô hình sản xuất dưa lưới

Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Hạ tầng công nghệ thông tin tại một số địa phương (nhất là ở cấp xã) còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho chuyển đổi số; Nhân lực cho chuyển đổi số tại tỉnh còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh ở mức độ thấp; việc phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin chưa hoàn thành; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chậm giải quyết…

Trong thời gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực để tạo ra các kết quả thực chất, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch hành động số 2358/KHUBND, ngày 25/6/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết "Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030" trên địa bàn tỉnh; Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030"; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024; Dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng tỉnh năm 2024, 2025"; Kế hoạch thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh. Triển khai lập báo cáo chủ trương đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin được bổ sung vốn đầu tư công năm 2024. Xây dựng, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước năm 2025 đảm bảo hoàn thành mục tiêu về hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh theo chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tổ chức triển khai quy hoạch ngành thông tin và truyền thông trong quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng cho chuyển đổi số của tỉnh.

Rà soát ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành làm cơ sở pháp lý triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Nghiên cứu, ban hành chính sách về phí và lệ phí khi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến toàn trình; chính sách về phí chứng thực điện tử; thực hiện chiến dịch đăng ký chữ ký số cá nhân đồng bộ cho toàn bộ người dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; chính sách đặc thù, khuyến khích đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm thành phần hồ sơ để đưa tối đa các thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đề xuất danh mục dịch vụ công trực tuyến cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ trực tuyến so với nộp hồ sơ trực tiếp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng, hiệu quả các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số. Hoàn thiện Kho dữ liệu dùng chung tỉnh, Cổng dữ liệu mở, Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC, Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng SOC đưa vào hoạt động trong Quý 4 năm 2024. Ưu tiên hình thành các nền tảng dùng chung và phát triển dữ liệu của các ngành, lĩnh vực (ưu tiên các lĩnh vực: đất đai, lao động, giao thông, xây dựng…). Rà soát, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh và các sở ngành, địa phương (nhất là ở cấp xã) để đáp ứng các yêu cầu cho chuyển đổi số và Đề án 06/CP.

Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động về giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin của tỉnh; giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên không gian mạng; sẵn sàng các giải pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm việc sử dụng máy tính độc lập không kết nối Internet để soạn thảo văn bản mật, đặt mật khẩu và quản lý tài khoản người dùng, không để tài khoản mặc định khi đăng nhập các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước. Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo đáp ứng, triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về chuyển đổi số và Đề án 06/CP. Các địa phương phối hợp với Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông rà soát sáp nhập các Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06/CP để tinh gọn, thống nhất, hiệu quả...

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: