Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Hải Dương: Xây dựng Chiến lược dữ liệu tỉnh đến năm 2030

Thứ Ba 06/08/2024 14:38

Xem với cỡ chữ
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa Ban hành Chiến lược dữ liệu tỉnh Hải Dương đến năm 2030 nhằm hoàn thiện mô hình kiến trúc chuyển đổi số, mô hình tổ chức và quản trị dữ liệu và các giải pháp an ninh mạng, an toàn thông tin dữ liệu của tỉnh.

Ảnh minh họa

Theo đó, việc xây dựng Chiến lược dữ liệu của tỉnh phải phù hợp với tầm nhìn và định hướng của quốc gia về phát triển dữ liệu số. Tuân thủ theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ; Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh. Tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương về quản lý và phát triển dữ liệu số. Việc phát triển dữ liệu số của tỉnh đến năm 2030 hướng tới phát triển toàn diện các trụ cột của Chuyển đổi số, như: Dữ liệu số trong phát triển chính quyền số và Dữ liệu số trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trên cơ sở tầm nhìn, UBND tỉnh đã đề mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 70% các ứng dụng và CSDL chuyên ngành của tỉnh sử dụng dưới dạng nền tảng dễ dàng thao tác cấu hình mà không hoặc ít phải lập trình. 100% các CSDL trong danh mục CSDL dùng chung, danh mục CSDL chuyên ngành của tỉnh cần ưu tiên triển khai và hoàn thành, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử; hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với Kho dữ liệu tập trung của tỉnh và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn tỉnh. 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh mở và cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng (không trùng lặp, dư thừa, không tốn công sức và chi phí để xử lý lại dữ liệu, hoặc thu thập lại dữ liệu), đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 100% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được chuyển vào kho dữ liệu và địa chỉ email của cá nhân, tổ chức để tái sử dụng, chia sẻ theo quy định.

Các CSDL dùng chung và chuyên ngành của các sở, ngành, địa phương (ngoại trừ các CSDL nghiệp vụ đặc thù) có nhu cầu kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các CSDL của tỉnh hoặc nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, được đáp ứng 100% yêu cầu thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.  Kết hợp khai thác sử dụng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đối với 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trực tuyến, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp... 100% các sở, ngành, địa phương bố trí cán bộ phụ trách về dữ liệu; xây dựng và triển khai theo các nội dung chiến lược dữ liệu đã quy định; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình.

Ảnh minh họa

Về dữ liệu số trong phát triển kinh tế số, xã hội số, đến năm 2023, kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng. 90% các di sản văn hóa, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt được số hoá, lưu trữ đầy đủ dữ liệu và hình thành thư viện số, di sản số, có hiện diện số trên môi trường mạng để mọi người dân, khách du lịch có thể truy cập, tra cứu tìm hiểu thuận lợi trên môi trường số; 100% các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch trong tỉnh được hoàn thành việc số hóa, lưu trữ và chia sẻ thông tin rộng rãi, kết hợp xây dựng các nền tảng số du lịch đồng bộ để quảng bá, phát triển du lịch tỉnh.

Hoàn thiện 100% CSDL về bảo hiểm xã hội cho người lao động; 100% các bộ dữ liệu mở về lực lượng, thị trường lao động việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động và yêu cầu trình độ, kỹ năng tương ứng được cung cấp và đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời, làm cơ sở triển khai các giải pháp dự báo nhu cầu, sự biến động về lao động, việc làm; người lao động có thể tiếp cận với dữ liệu về nhu cầu lao động, việc làm của xã hội và được tự động cung cấp gợi ý về danh sách việc làm phù hợp khi bị thất nghiệp. 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông và tối thiểu 40% số ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

100% dữ liệu không gian địa lý ngành Tài nguyên và Môi trường được số hóa, chuẩn hóa và liên thông, chia sẻ cho các cơ quan nhà nước... dưới dạng dịch vụ bản đồ và có thể chia sẻ cho các hệ thống thông tin của những lĩnh vực có sử dụng dịch vụ dữ liệu không gian địa lý kết nối, khai thác sử dụng.  100% dữ liệu giám sát, quan trắc tự động việc xả thải ủa các khu công nghiệp, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối về trung tâm giám sát tập trung của ngành Tài nguyên và Môi trường theo thời gian thực, phục vụ việc phân tích đưa ra các cảnh báo khi có nguy cơ về sự cố môi trường. 100% dữ liệu về hạ tầng giao thông công cộng và phương tiện giao thông, dữ liệu về kho, bãi và các trung tâm logistics được số hóa, cập nhật kịp thời. 95% các dữ liệu về y tế được xây dựng, tổ chức phù hợp với định hướng phân cấp quản lý từ cấp tỉnh, huyện, xã để phát triển, hoàn thiện CSDL ngành y tế.

100% các CSDL dùng chung, chuyên ngành của các sở, ngành, địa phương được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp, đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể trên các sở, ngành, địa phương cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống CSDL và ứng dụng chuyên ngành để hình thành CSDL thống nhất, chia sẻ dùng chung; tránh tình trạng cát cứ dữ liệu trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; liên thông, tích hợp với các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành đảm bảo theo các quy định, quy chuẩn, hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản...

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: