Sau 1 năm triển khai mô hình điểm "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch" trên địa bàn tỉnh hải Dương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, giúp các hội viên, phụ nữ và cộng đồng nâng cao kiến thức xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hạnh phúc.
Thành viên mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3" sạch ký cam kết thực hiện quy chế mô hình tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành
Thực hiện Hướng dẫn số 12/HD-ĐCT, ngày 17/10/2022 của TW Hội LHPN Việt Nam về triển khai thí điểm mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch"; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Hải Dương ban hành các văn bản hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch". Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền mô hình bằng nhiều hình thức nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận cao, phát huy vai trò tự nguyện của hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư nhằm phát triển mô hình.
Mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch" được triển khai dựa trên những kết quả nổi bật của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ, gia đình và tổ chức Hội trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Mô hình được triển khai đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong toàn tỉnh.
Hội LHPN tỉnh đã chọn 02 chi hội thuộc xã Lai Vu, huyện Kim Thành và xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng làm điểm triển khai mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch" với 8 tiêu chí gồm: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có tri thức, có nếp sống văn hóa và sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng. Với số lượng gia đình hội viên tham gia khảo sát là 756 hộ; qua khảo sát có 571/756 số hộ đạt tất cả 8 tiêu chí (chiếm 75,5%); có 185/756 hộ chưa đạt 8 tiêu chí (chiếm 24,5%); 7/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Có ngôi nhà an toàn” (chiếm 0,9%); 70/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Có kiến thức” (chiếm 9,3%); 74/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Có sinh kế bền vững” (chiếm 9,8%); 76/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Có sức khỏe” (chiếm 10,1%); 53/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Có nếp sống văn hóa” (chiếm 7%); 149/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Sạch nhà” (chiếm 19,7%); 146/756 số hộ gia đình chưa đạt tiêu chí “Sạch bếp”, “Sạch ngõ” (chiếm 19,3%).
Sau 1 năm triển khai, mô hình bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra, đem lại lợi ích và có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ hội viên, phụ nữ và cộng đồng nâng cao kiến thức xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hạnh phúc. Đặc biệt, đã góp phần quan trọng thúc đẩy việc hoàn thành các nội dung, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn làm điểm. Đến nay, đã có 671/756 số hộ đạt tất cả 8 tiêu chí (đạt 88,8%; tăng 13,3% so với khảo sát); 753/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Có ngôi nhà an toàn” (đạt 99,6%); 732/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Có kiến thức” (đạt 96,8%); 731/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Có sinh kế bền vững” (đạt 96,7%); 729/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Có sức khỏe” (đạt 96,4%); 756/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Có nếp sống văn hóa” (đạt 100%); 754/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Sạch nhà” (đạt 99,7%); 755/756 số hộ gia đình đạt tiêu chí “Sạch bếp”, “Sạch ngõ” (đạt 99,9%).
Bảo đảm vệ sinh môi trường được phụ nữ Hải Dương quan tâm duy trì
Trên cơ sở kết quả đạt được từ việc thực hiện mô hình điểm, các huyện, thị, thành Hội đã chỉ đạo các cơ sở nhân ra diện rộng, đến nay đã thành lập mô hình tại 184 chi hội với 22.836 thành viên tham gia. Điển hình trong việc thực hiện điểm xây dựng "Gia đình 5 có, 3 sạch" là Hội LHPN thành phố Hải Dương, Chí Linh, huyện Bình Giang. Có thể thấy, mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch" bước đầu triển khai có được sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, mang lại những hiệu quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng như hiệu quả từ cuộc vận động đem lại, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Trình độ nhận thức của hội viên về các tiêu chí chưa đầy đủ, do đó việc triển khai khảo sát ban đầu cũng như việc tổng hợp thống kê số liệu còn gặp khó khăn. Cơ sở chưa vận dụng được nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động mô hình từ Chương trình MTQG xây dựng NTM tại địa phương cũng như khó khăn trong huy động nguồn lực bên ngoài nên thiếu kinh phí thực hiện, chưa đáp ứng triển khai cho hoạt động mô hình. Ban chủ nhiệm chủ yếu hoạt động tự nguyện, kiêm nhiệm nhiều việc nên không có đủ thời gian để phát huy hết năng lực làm việc, đồng thời kỹ năng tuyên truyền, vận động của Ban chủ nhiệm cũng như cán bộ Hội còn hạn chế. Công tác vận động, tuyên truyền còn có phần chưa thường xuyên, sâu rộng, chưa phong phú, đa dạng. Một số tiêu chí khó thực hiện (ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững) hoặc khó đánh giá (có nếp sống văn hóa). Còn nhiều tiêu chí khó thực hiện đối với các gia đình hội viên cao tuổi, không có nghề nghiệp, không có lương, thu nhập không ổn định...
Để cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch" đạt hiệu quả cao hơn, các cấp Hội cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao, đề xuất xin hỗ trợ ngân sách địa phương để thực hiện mô hình cũng như các hoạt động của tổ chức Hội. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về nội hàm 8 tiêu chí xây dựng "Gia đình 5 có, 3 sạch" ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các chương trình, đề án của Hội, của các ngành. Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ hội viên phụ nữ thực hiện tốt 8 tiêu chí của Cuộc vận động. Duy trì và thành lập mới các mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch"; phấn đấu nhân rộng mô hình tại 100% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khu vực đô thị. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ cơ sở về các nội dung của cuộc vận động "Gia đình 5 có, 3 sạch" nhằm triển khai tổ chức hiệu quả cuộc vận động...