Chủ nhật, ngày 8/9/2024

Đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới

Thứ Ba 25/06/2024 16:36

Xem với cỡ chữ
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh được tăng cường và đổi mới tương đối toàn diện. Cấp ủy, chính quyền các cấp, địa phương trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận theo đúng tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”, thể hiện rõ và nhất quán quan điểm công tác dân vận của Đảng “Nhà nước của dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhân dân làm chủ”. Đặc biệt việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận chính quyền; kịp thời thể chế hóa bằng các văn bản phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập các văn bản về công tác dân vận của Đảng, Nhà nước như: Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Quyết định số 357-QĐ/TU, ngày 1/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương; Chỉ thị số 28 –CT/TU ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “ tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Quy chế số 03-QC/TU, ngày 18/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh” ; Chương trình phối hợp số 01-CTr/BDVTU –BCSĐUBND giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác dân vận giai đoạn 2022 – 2026; Đề án “Xây dựng chính quyền xã, phường, thị trấn thân thiện, vì Nhân dân phục vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2030”... nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức về công tác dân vận, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác dân vận, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

UBND tỉnh  đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước về công tác dân vận gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp xây dựng và thực hiện Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2021-2026; ban hành Quy định tiêu chí thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị.

UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng và đổi mới phong cách của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa công sở, nâng cao đạo đức công vụ; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm, lề lối làm việc, tác phong công tác, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy tính năng động, sáng tạo trong chuyên môn; xây dựng chuẩn mực cán bộ, công chức, viên chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức chính quyền... Tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm như: quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước…; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, của Nhân dân trong hoạt động giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện.

Công tác cải cách hành chính đã được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh. Xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Hiện nay, 100% TTHC của các sở, ngành được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn đã kiện toàn bộ phận Một cửa theo quy định; các sở, ban, ngành có TTHC đều đã bố trí công chức thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời ban hành các văn bản triển khai nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Kết quả, đến nay hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành được triển khai sử dụng cho 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đảm bảo liên thông 4 cấp và thực hiện phát thành văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia, 100% các cơ quan nhà nước đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số để thay thế văn bản giấy. Đặc biệt, năm 2023, Hải Dương đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 25 bậc so với năm 2022). Nổi bật là kết quả điều tra, khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng 13 bậc, đứng thứ nhất toàn quốc; cải cách thể chế tăng 2 bậc; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 33 bậc so với năm 2022; tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tăng 52 bậc.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  trong các cơ quan nhà nước được chú trọng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng được các quy chế, quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phù hợp chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với chủ đề công tác hằng năm. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch theo trọng tâm công tác; rà soát, bổ sung các nội quy, quy chế và văn bản về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị phù hợp với nội dung các Nghị định của Chính phủ về dân chủ ở cơ sở; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quy trình giải quyết nội dung công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, chú trọng . UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan nhà nước tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động tiếp công dân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu gắn với việc xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, việc thực hiện Quy chế về tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, gắn với tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. 5 năm qua, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 19.879 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp 249 đoàn đông người; đã tiếp nhận 19.177 đơn, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý là 14.091 đơn (khiếu nại 659 đơn; tố cáo 965 đơn; kiến nghị, phản ánh 12.467 đơn) . Tăng cường công tác đối thoại, hòa giải; tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài.

Cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp 2013 và Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; đã phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nhất là chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy vai trò của Ban Thanh tra Nhân dân trong việc giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện các dự án đầu tư, công trình từ nguồn vốn do Nhân dân đóng góp và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Kết quả, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 2.414 cuộc giám sát trực tiếp; các tổ chức chính trị -xã hội tổ chức hơn 100 cuộc giám sát; tổ chức 22 hội nghị phản biện các dự thảo Nghị quyết của HĐND, dự thảo Quyết định của UBND cùng cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tham gia đóng góp 2.056 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền, các ngành. Điểm mới, từ năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội tại kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh thảo luận, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội. Ban Thanh tra Nhân dân đã phát hiện 5.717 vụ việc, được chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 5.578 vụ việc (đạt 97,7%); Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 1.265 công trình, dự án, trong đó xác định 1.200 dự án đầu tư đúng quy định, 9 dự án vi phạm, đã kiến nghị, phản ánh 9 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo kết luận xử lý. Ủy ban MTTQ cấp xã, Ban công tác Mặt trận thôn, khu dân cư phối hợp hòa giải thành công 1.911 vụ việc mâu thuẫn trên địa bàn dân cư.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trên các lĩnh vực đời sống xã hội như: thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo, thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc tập trung, huy động các nguồn lực bằng phương thức “Dân vận khéo” để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. Điển hình như các mô hình: "Rau quả tập trung, an toàn"; “Tổ tự quản” bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phong trào hiến đất làm đường giao thông; mô hình điểm phân loại rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình; mô hình cánh đồng không rác thải (tại huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng); "Mạ khay cấy lúa" (tại huyện Ninh Giang); hay mô hình "Cụm liên kết công an xã giáp ranh tham gia bảo đảm an ninh trật tự" và "Tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ an ninh trật tự" của lực lượng công an; "Nhận đỡ đầu trẻ mồ côi" và "Ấm áp tình đồng đội, chung tay vun đắp những mầm xanh" của lực lượng quân đội; "Dân vận khéo trong cải cách hành chính" của chính quyền các cấp ... Đến nay , toàn tỉnh đã có 3.240 mô hình “Dân vận khéo” được công nhận, trong đó có 1.229 mô hình “Dân vận khéo” về bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh về công tác dân vận, trọng tâm là Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị “Về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước các cấp”; Chỉ thị số 33/2021/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp trong tình hình mới”; Quyết định số 357-QĐ/TU, ngày 1/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương; Chỉ thị số 28 –CT/TU ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “ tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trong tình hình mới”…, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân đối với công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp. Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chỉ đạo thực hiện sâu rộng, hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng mô hình “Chính quyền xã, phường, thị trấn thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh theo Đề án của tỉnh. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, gần dân, sâu sát cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân vận thời tình hình mới.

 

 

 

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: