Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Cần tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Thứ Bảy 01/06/2024 14:45

Xem với cỡ chữ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và tăng chỉ tiêu công chức, viên chức ở các tỉnh là việc cần thiết.

ttt1.jpg

Đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu thảo luận ở tổ chiều 31/5 (ảnh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cung cấp)

Chiều 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ 14 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, TP Đà Nẵng.

Nhân rộng chính sách đặc thù

Phát biểu thảo luận ở tổ, đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ủng hộ việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù với 2 địa phương này.

Qua nghiên cứu, đại biểu Triệu Thế Hùng nhận thấy có chính sách đặc thù cũng cần thiết với một số tỉnh, trong đó có tỉnh Hải Dương. Trong đó, việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; tăng nhân sự cho bộ máy công chức, viên chức là việc tất cả các tỉnh, các địa phương đều cần.

"Tôi cho rằng đã là thí điểm thì cần có tổng kết, đánh giá và biến những chính sách hay, có hiệu quả được thí điểm thành chính sách chung để tất cả các địa phương cùng phát triển. Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh, ngoài những chính sách chung thì mỗi một tỉnh cần có một chính sách đặc thù riêng. Như vậy, sẽ tạo sự công bằng với các tỉnh chưa có chính sách đặc thù", đại biểu Triệu Thế Hùng phát biểu thảo luận ở tổ.

ttt2.jpg

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị cần đánh giá kết quả thực hiện chính sách đặc thù (ảnh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cung cấp)

Đại biểu Triệu Thế Hùng khẳng định giải pháp này sẽ giúp phát huy đúng tiềm năng mũi nhọn của từng tỉnh, tạo sức mạnh chung của nền kinh tế quốc dân.

Trước đó, phát biểu ở thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng quan điểm với đại biểu Triệu Thế Hùng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị đánh giá kết quả thực hiện cơ chế đặc thù tại các địa phương thời gian qua cả về chính sách mang tính chất riêng cho từng lĩnh vực và từng địa phương. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng định hướng chính sách rất quan trọng để tạo ra cơ chế và hệ thống pháp luật đồng bộ. Thực tế, còn nhiều bất cập từ các cơ chế chính sách chưa được đánh giá, nêu lên.

"Ví dụ như cơ chế chính sách liên quan phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương làm không tốt. Minh chứng là có dự án giao địa phương làm chủ đầu tư chậm tiến độ hơn 20 tháng do năng lực hạn chế", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá.

Đề xuất thành lập Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng

ttt.jpg

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" (ảnh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cung cấp)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương có 2 góp ý vào một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do".

Theo đại biểu, đây là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố. Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng​.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore do nước này có chính sách ưu đãi vượt trội. Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm gặp khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do quy định phức tạp, hạn chế.

baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: