Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Thứ Năm 09/05/2024 14:25

Xem với cỡ chữ
Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

   Ảnh minh họa

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố.... Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý...

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn (đạt 25% so vớ kế hoạch năm); cấp 37 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đạt 30.83% kế hoạch năm) và tiếp nhận 65 hồ sơ tự công bố sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho 04 sản phẩm thực phẩm. Thực hiện kiểm tra 56 các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó có 47 cơ sở đạt, 09 cơ sở vi phạm, kiến nghị xử lý phạt tiền 01 cơ sở với số tiền phạt 70 triệu đồng. Đã thực hiện giám sát 28 bếp ăn Công ty của một số khu công nghiệp Đại An, Tân Trường, Phúc Điền. Kết quả: 28 bếp ăn tập thể đạt các điều kiện về ATTP; thực hiện test nhanh chỉ tiêu hóa lý 48 mẫu thực phẩm (dầu mỡ, tương ớt, giò, chả…), kết quả 48/48 mẫu đạt; 79 mẫu dụng cụ ăn uống test nhanh tồn dư tinh bột và dầu mỡ, kết quả đạt 100%;... Đặc biệt, do làm tốt công tác tuyên tuyền ATTP, giám sát mối nguy và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nên trong 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương không xảy ra vụ ngộ độ thực phẩm tập thể.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: