Thứ hai, ngày 25/11/2024

Tình hình công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số và khám bệnh, chữa bệnh hiện nay

Thứ Hai 06/05/2024 07:55

Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số và khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chú trọng triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hình ảnh: Chụp X-quang phổi tại Bệnh viện Phổi Hải Dương 

Hiện nay, Sở Y tế Hải Dương quản lý 28 cơ quan, đơn vị, gồm 03 cơ quan hành chính và 25 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 7.400 cán bộ, nhân viên y tế. Cùng với đó, hệ thống mạng lưới y tế tư nhân có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác khám chữa bệnh của nhân dân, tăng sự hài lòng của người bệnh. Trên địa bàn có 02 bệnh viện ngành; 689 cơ sở hành nghề y tư nhân (02 bệnh viện, 54 phòng khám đa khoa, 365 phòng khám chuyên khoa, 142 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 126 cơ sở dịch vụ y tế), 04 cơ sở đào tạo y, dược; và 02 doanh nghiệp sản xuất thuốc, 35 cơ sở bán buôn thuốc, 1.076 cơ sở bán lẻ thuốc.

Xác định công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành y tế đã tích cực chủ động mưu, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị xây dựng những quy định, hướng dẫn chuyên môn phù hợp với điều kiện thiết bị, nhân lực của từng cơ sở y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực y tế để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu như: SPECT CT, kỹ thuật chụp cắt lớp 128 dãy, kỹ thuật chụp mạch DSA, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, điều trị bệnh Thalassemia, điều trị tiêu sợi huyết Ateplase, hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo... Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hiện nay, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí BHYT. Năm 2023, có 3.412.338 lượt người đến khám chữa bệnh, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2022 và trong 3 tháng đầu năm 2024 có 779.569 lượt người đến khám chữa bệnh. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, chi phí cho người bệnh của tỉnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến Trung ương hoặc tỉnh ngoài chiếm tỷ trọng khá cao. Năm 2023 chi cho người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh ở tỉnh ngoài là hơn 900 tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng chi năm của quỹ bảo hiểm y tế. Trong 3 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt được 32,7.

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm luôn được duy trì và hoạt động tốt. Toàn bộ các địa phương đã chủ động triển khai hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan trên diện rộng. Tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, viêm não Nhật bản B, cúm, sởi, Covid-19, ho gà trong năm 2023 và 03 tháng đầu năm 2024 cơ bản được kiểm soát. Năm 2023, tại Hải Dương ghi nhận 1.646 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 1.031 trường hợp so với năm 2022), trong đó có 1.069 trường hợp có yếu tố dịch tễ nội địa và không có trường hợp nào tử vong. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như cúm A/H5N1, H7N9, bệnh dại, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh bạch hầu,… không ghi nhận ca mắc.

Hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống suy dinh dưỡng, công tác sức khoẻ môi trường - y tế trường học, an toàn thực phẩm và công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản được duy trì, triển khai đúng kế hoạch. Cho đến nay, 221/235 xã, phường, thị trấn có trạm y tế thực hiện quản lý, điều trị tăng huyết áp; 79/235 trạm y tế thực hiện quản lý điều trị đái tháo đường thuộc 08/12 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Chất lượng dân số ngày càng được nâng cao về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tuổi thọ bình quân tăng lên 74,9 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 7,9%. Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh được đối tượng tham gia tích cực, sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của vị thành niên, thanh niên được nâng lên. Công tác chăm sóc người cao tuổi được quan tâm cả về thể chất và tinh thần. Mức sinh cơ bản đã được duy trì. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn và đứng thứ 5 trên toàn quốc.

Hình ảnh: Tiêm vaccine phòng lao cho trẻ 

Dịch vụ trong lĩnh vực "dân số phát triển" được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được phát triển rộng khắp, gần dân. Phương thức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được đổi mới, nhiều dịch vụ đã được đưa đến tận nơi người có nhu cầu. Các phương tiện tránh thai đa dạng, thuận tiện, an toàn được đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và theo quy định hiện hành. Triển khai thực hiện sớm tiếp thị xã hội và xã hội hóa về các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản. 100% các cơ sở y tế triển khai xây dựng cơ sở y tế "xanh - sạch - đẹp".

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được tăng cường, đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm và công bố chất lượng sản phẩm được thực hiện tốt. Hằng năm, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đều đạt trên 100% so với kế hoạch được giao. Trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên địa bàn tỉnh giảm. Theo báo cáo tổng hợp năm 2022 và năm 2023 không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 người dân của tỉnh thấp hơn so với chỉ tiêu chung của toàn quốc. Đến nay, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 6/100.000 dân.

Trong thời gian tới, để nâng cao công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số và khám bệnh, chữa bệnh, ngành y tế tỉnh nhà cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế các tuyến. Tập trung đáp ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư, thiết bị y tế; chủ động phòng chống dịch bệnh, tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến và triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế. Đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816; Đề án khám chữa bệnh từ xa, tăng cường chuyển giao cho tuyến dưới và tiếp nhận kỹ thuật của tuyến trên. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: