Thứ hai, ngày 25/11/2024

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Thứ Hai 29/01/2024 14:57

Xem với cỡ chữ
Ngày 29/01/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 195 - KH/TU thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Văn phòng Tỉnh ủy xin trân trọng giới thiệu toàn văn Kế hoạch.

(Ảnh minh họa)

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 42- NQ/TW) và Kế hoạch số 19-KH/TW, ngày 27/11/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42- NQ/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về hệ thống chính sách xã hội để người dân hiểu chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội.

- Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của địa phương, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng; kết hợp nguồn lực trong nước và ngoài nước. Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và Nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; động viên sự tham gia tích cực của Nhân dân, doanh nghiệp; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện phải bám sát các quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 42-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Chương trình số 20-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy; các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để thực hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ các nội dung của Nghị quyết số 42-NQ/TW liên quan đến lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo; thường xuyên bổ sung, cập nhật những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mới, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

II. CÔNG TÁC QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết số 42-NQ/TW (đã hoàn thành ).

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các cấp uỷ, tổ chức đảng ở các cấp, các ngành; chỉ đạo các cơ quan  báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung và tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết.

3 . Các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư các huyện uỷ, thị ủy, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ Nghị quyết, Kế hoạch và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.  

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030

- Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.

- Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

- Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

- Tỉ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3%.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 43%.

-  Phấn đấu 61% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 47% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

- 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo quy định; có chính sách hỗ trợ và dần nâng mức về trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

- Duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 và 4 tuổi; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở đạt 98%, cấp trung học phổ thông và tương đương đạt 85%; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.

- Bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 76,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,8; đến năm 2030 đạt 40,5 giường bệnh, 19 bác sỹ, 04 dược sỹ và 36 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 99% vào năm 2030; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng dầy đủ các loại vắcxin đạt 99% với 14 loại vắcxin; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 7%; cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

- Xây dựng mới 1.601.305 m2 sàn nhà ở xã hội, trong đó: 295.163 m2 sàn nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị (thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh), 766.143 m2 sàn nhà ở cho công nhân; phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 99%, nhà ở bán kiên cố đạt 1%, xoá bỏ nhà thiếu kiên cố; phát triển diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 35,5 m2 sàn/người.

- 100% hộ gia đình ở thành thị và 100% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phụ hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,8 trở lên.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghị quyết, chủ trương của Đảng có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. 

2. Xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

3. Khẩn trương thể chế hoá, cụ thể hoá, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về chính sách xã hội; triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, đề án về chính sách xã hội.

4. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả cao; chấn chỉnh những nơi thực hiện Nghị quyết chưa tốt.

5. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, có giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết.

V. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và đảng đoàn, ban cán sự đảng có liên quan thể chế hoá kịp thời Nghị quyết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực người có công, dân số, lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin, truyền thông, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường.

- Chủ trì quyết định các vấn đề quan trọng về chính sách xã hội trong các quy hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án, công trình quan trọng của tỉnh  (hoàn thành theo tiến độ quy định đối với từng nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt).

- Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh (thực hiện thường xuyên).

2. Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh

- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết và các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này  (hoàn thành trong quý I/2024).

- Lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về những vấn đề liên quan đến chính sách xã hội  (thực hiện thường xuyên).

- Lãnh đạo, chỉ đạo bố trí nguồn lực tương xứng để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra (thực hiện thường xuyên).

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện tốt pháp luật về chính sách xã hội. Xây dựng mô hình quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, chuyển đổi số, hiện đại hoá công tác quản lý nhà nước; số hoá các quy trình quản lý và thực hiện chính sách. Kiện toàn, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các ban công tác người cao tuổi, vì sự tiến bộ của phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em và quan hệ lao động tỉnh (thực hiện thường xuyên).

- Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết, trọng tâm là lĩnh vực người có công, dân số, lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, văn hoá, thông tin, truyền thông, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường và các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển chính sách xã hội; Phối hợp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chính sách xã hội.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về nội dung, kết quả thực hiện Nghị quyết.

- Chủ trì, phối hợp với các ban đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết  (hoàn thành kế hoạch trong quý II/2024; tổ chức thực hiện từ quý III/2024).

3. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết và pháp luật về chính sách xã hội  (hoàn thành trong quý II/2024 và thực hiện thường xuyên).

- Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh (thực hiện thường xuyên).

4. Các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ

- Xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết  (hoàn thành trong quý I/2024).

- Tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh (thực hiện thường xuyên).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch của Tỉnh uỷ với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 42-NQ/TW nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về hệ thống chính sách xã hội. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội trong giai đoạn mới cho cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và tham gia thực hiện hiệu quả.

3. Các đồng chí Bí thư các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện uỷ, thành uỷ, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đơn vị.

4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch, định kỳ sơ, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: