Thứ tư, ngày 27/11/2024

Đưa thương mại điện tử trở thành “bệ phóng” của nền kinh tế số

Thứ Năm 02/02/2023 11:10

Xem với cỡ chữ
Để thương mại điện tử là trợ lực quan trọng của nền kinh tế số, việc quyết liệt thực hiện các giải pháp tổng thể là "chìa khoá" đưa nền kinh tế số tăng tốc.

"Cầu nối" đưa sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng

Mới đây, hãng tin Sputnik (Nga) đã dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đưa tin Việt Nam có nền  kinh tế số  tăng trưởng vượt bậc, cán mốc 23 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực  Đông Nam Á  trong năm 2022.

Lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam cũng có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á với 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì, thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới.

Trong báo cáo mới do Google, Temasek và Bain & Company phối hợp thực hiện và công bố, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế

Cụ thể, trong báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội,” Google, Temasek và Bain & Company nêu bật mức tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế số Việt Nam.

Năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD, nhờ sự tăng trưởng 26% của  thương mại điện tử  so với cùng kỳ năm 2021.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, trợ lực quan trọng nhất để kinh tế số phát triển ngoạn mục thời gian qua là nhờ sự phát triển đột phá của thương mại điện tử. Theo đó, việc chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết và sẽ là "bàn đạp" thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam tăng tốc trong những năm tới.

Thực thế cho thấy, trong những năm qua, thương mại điện tử đang dần trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam.

Năm 2021, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 16% so với năm 2020, đạt 13,7 tỷ USD, chiếm 7% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

Theo đánh giá của Google và Temasek tại báo cáo mới nhất mới công bố “Kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022”, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế internet (bao gồm các lĩnh vực: bán lẻ trực tuyến, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến và nội dung nghe nhìn trực tuyến) đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia, Thái Lan), đạt 49 tỷ đô năm 2022.

Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022 – 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

Để thương mại điện tử tiếp tục phát triển, thể hiện vai trò đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế,  Bộ trưởng Bộ Công Thương  Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 9 tháng 01 năm 2023 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bộ cũng yêu cầu, cần chú trọng tổ chức triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đảm bảo thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, ưu tiên hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.

Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số.

Hiệu quả từ thực hiện quyết liệt các giải pháp

Theo đó, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ cũng như Quyết định số 32/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về Chương trình hành động của ngành Công Thương nhằm thực hiện Nghị quyết, tiếp tục đưa thương mại điện tử trở thành "bệ phóng" phát triển kinh tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đề ra kế hoạch trong năm 2023.

Cụ thể, về xây dựng, tổ chức thực thi pháp luật cho thương mại điện tử, Cục sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ ngành trong việc chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử.

Xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử với Bộ Tài chính (thực hiện Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao công tác hiệu quả quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ).

Phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) có phương án kết nối chia sẻ dữ liệu giao dịch xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử với Bộ Công Thương để kịp thời nắm bắt thông tin về thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời có phương án kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung sau khi Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được ban hành.

Bên cạnh đó, Cục cũng tiếp tục triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP, tăng cường quản lý rà soát các hoạt động thương mại điện tử của sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, sàn giao dịch thương mại điện tử có vốn nước ngoài.

Đồng thời, phối hợp với trong việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò cơ quan đầu mối quản lý các mạng xã hội xây dựng cơ chế thu thập thông tin trực tuyến của các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, đồng thời có giải pháp kết nối, chia sẻ trực tuyến với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính những thông tin này nhằm quản lý một cách hiệu quả hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Cục cũng tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý kỹ thuật đối với các website/ứng dụng vi phạm pháp luật (quy trình thu hồi tên miền, gỡ bỏ hoặc chặn thông tin từ các website/ứng dụng nước ngoài, quy trình gỡ bỏ ứng dụng trong kho ứng dụng).

Rà soát các website/ứng dụng nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, phối hợp, yêu cầu các website/ ứng dụng nước ngoài tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng là một trong những nội dung được chú trọng. Theo đó, Cục tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định mới của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Để thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của Bộ, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử cũng có nhiều đổi mới như tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra.

Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Cục tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về thương mại điện tử theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục cũng nỗ lực thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Tiếp tục nâng cấp và vận hành các giải pháp cho thương mại điện tử như KeyPay dành cho dịch vụ hành chính công trực tuyến. Keypay thanh toán đảm bảo ra mắt hệ thống thanh toán đảm bảo Escrow KeyPay, triển khai thử nghiệm với 1 số trung gian thanh toán và sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Một trong những chương trình cũng sẽ được Cục chú trọng triển khai năm 2023 như chương trình Online Friday: Tổ chức triển khai kỷ niệm 10 năm triển khai Chương trình sẽ là dấu mốc quan trọng trong việc thể hiện sự hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online: Tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp giải pháp đưa ra các gói sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp SME ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số, trong đó chú trọng các giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao doanh số và phát triển bền vững.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử Go Export: Hoàn thiện và mở rộng mô hình đã triển khai thử nghiệm trong năm 2022 đưa các sản phẩm của Việt Nam lên sàn thương mại điện tử Amazon và các sàn thương mại điện tử tại các quốc gia khác.

Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

Ngoài ra, việc phát triển trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam cũng tiếp tục triển khai; Tiếp tục làm việc trao đổi với các sàn thương mại điện tử để lên phương án chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa, sản phẩm thực phẩm, nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu tại các địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến thương mại điện tử.

Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp địa phương triển khai các hoạt động phân phối và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm qua thương mại điện tử trong năm 2023.

Tiếp tục duy trì, phát triển các kênh thông tin thị trường thương mại điện tử trên nền tảng ECVN, Vietnamexport, giải pháp tiếp thị đa kênh, gắn nhãn uy tín,…

Phát triển ứng dụng Vsign.vn nhằm mục tiêu Kết nối với dữ liệu hải quan trong việc tra cứu, kiểm tra thông tin C/O điện tử gửi đi nước ngoài. Kết nối doanh nghiệp sản xuất chưa có năng lực xuất khẩu với đơn vị Logistic chuyên nghiệp. Tạo sân chơi cho các doanh nghiệp có uy tín tìm kiếm đối tác có năng lực sản xuất hàng hóa.

http://sct.haiduong.gov.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: