Thứ ba, ngày 26/11/2024

Những điểm nhấn về chính sách của hoạt động đo lường Việt Nam

Thứ Năm 14/07/2022 14:33

Xem với cỡ chữ
Đo lường là ngành khoa học kỹ thuật chính xác, có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, đời sống, quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đến thăm và làm việc tại QUATEST 3 - Phòng Đo lường Độ dài. Ảnh: QUATEST 3 

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần vào đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bước ngoặt sự hình thành và phát triển của đo lường Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ là ngày 20/1/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân ký sắc lệnh số 8/SL quy định hệ thống đo lường áp dụng ở nước ta là Hệ mét. Sắc lệnh 8/SL đã nêu lên và giải quyết đúng đắn (ở phạm vi và trình độ phát triển của xã hội lúc bấy giờ) nhiều nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về đo lường như đơn vị đo lường hợp pháp, việc sử dụng và sản xuất dụng cụ đo, việc xử phạt về đo lường. Có thể nói sắc lệnh 8/SL được Bác Hồ trực tiếp ban hành cách đây hơn 70 năm chính là nền tảng, là điểm xuất phát tạo nên sự trưởng thành của đo lường và quản lý đo lường ở nước ta ngày nay.

Sau năm 1954, khi miền Bắc trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta có điều kiện để nghiên cứu ban hành những văn bản pháp luật đầy đủ và sâu rộng hơn về đo lường.  

Thử nghiệm viên tiến hành thao tác phân tích mẫu trên thiết bị MALDI BIOTYPER. Ảnh: QUATEST 3

Ngày 26/12/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 186/CP ban hành. Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là sự kế thừa và nâng lên ở một tầm cao mới sắc lệnh 8/SL. Bảng đơn vị hợp pháp của nước ta ban hành theo Nghị định trên đã được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở Hệ đơn vị quốc tế (SI), tiếp nối sự phát triển tự nhiên từ Hệ mét sang Hệ đơn vị quốc tế SI thế giới.

Đầu những năm 70, nhất là sau khi Hiệp định Paris (1973) được ký kết, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc nước ta và cùng với nó là phong trào cải tiến quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật được triển khai mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, việc đưa các hoạt động đo lường vào nề nếp thông qua ban hành những văn bản, luật pháp gốc toàn diện và hoàn chỉnh hơn về quản lý đo lường trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Ngày 25/9/1974, Hội đồng Chính phủ đã ký đồng thời hai Nghị định 216/CP và 217/CP ban hành Điều lệ quản lý đo lường và Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Công tác quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta từ năm 1974 đến 1990 chủ yếu được tiến hành trên cơ sở hai điều lệ này. Vào những năm 70, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp đưa ra hai Chỉ thị về cân lớn và về tăng cường quản lý đo lường mà trước hết là tăng cường, thúc đẩy việc tổ chức sản xuất, sửa chữa dụng cụ đo lường trong nước.

Để đáp ứng những yêu cầu cấp bách về đo lường của thời kỳ đổi mới kinh tế, nhà nước đã ban hành Pháp lệnh đo lường năm 1990, sau một thời gian triển khai, Pháp lệnh đo lường năm 1990 đã bộc lộ một số mặt thiếu xót không phù hợp với tình hình mới với yêu cầu hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng cấp bách. Năm 1999, nhà nước đã ban hành Pháp lệnh đo lường sửa đổi phù hợp hơn.

Đặc biệt, ngày 11/11/ 2011 Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường thay thế Pháp lệnh Đo lường năm 1999. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012. Mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Luật Đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh, quốc phòng. Hoạt động đo lường diễn ra hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, quốc phòng, an ninh… ở mỗi quốc gia, trên phạm vi khu vực và thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, cụ thể như: Thành viên chính thức của Chương trình đo lường châu Á - Thái Bình Dương (APMP) năm 1992. Thành viên hợp tác của Tổ chức Ðo lường hợp pháp quốc tế (OIML) năm 1994. Thành viên chính thức của Diễn đàn Ðo lường hợp pháp châu Á - Thái Bình Dương (APLMF) năm 1995. Thành viên hợp tác của Hội nghị Cân đo quốc tế (CGPM) năm 2003...

www.haiduongdost.gov.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: