Thứ ba, ngày 26/11/2024

Hội thảo Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn

Thứ Năm 14/07/2022 09:00

Xem với cỡ chữ
Cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra ngày 30/6/2022. Hội thảo do Báo Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức.

Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn phức tạp, đặc biệt trên môi trường internet

Tại Hội thảo, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến.

Đặc biệt, do dịch bệnh Covid-19, việc kinh doanh, mua bán, giao nhận và vận chuyển hàng hóa qua các hình thức thương mại điện tử càng được người dân sử dụng thường xuyên. Hàng hoá giới thiệu trên các Website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng như: shopee, Lazada, Tiki, chotot.vn, sendo… rất phong phú, đa dạng với hàng ngàn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau.

Tình trạng gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.

Thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng, như gần đây sản phẩm mật ong là sản phẩm pha chế, kém chất lượng, rất nguy hại cho người tiêu dùng, thực phẩm đông lạnh đã được phù phép, sửa hạn sử dụng…

Riêng trong tháng 6/2022 này, Tổng cục QLTT đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Mới đây nhất, ngày 16/6/2022, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Long An đã ngặn chặn trên 100 kg bột ngọt giả mạo nhãn hiệu AJINOMOTO đang được đưa ra thị trường tiêu thụ. Trước đó, ngày 03/6/2022, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Hải Dương phát hiện gần 2 tấn mỡ lỏng đựng trong nilon đang bốc mùi. Ngày 13/6/2022, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã tạm giữ hơn 1 tấn xí muội (ô mai) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Trần Hữu Linh, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.

Ngoài ra, các website và trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website TMĐT, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Những trang mạng này còn sử dụng trái phép hình ảnh của nghệ sỹ, người nổi tiếng để quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... do mình tự sản xuất, gia công rồi sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo…), chào bán qua các website TMĐT nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ khi lực lượng QLTT xác minh, kiểm tra mới bị phát hiện và xử lý.

Hơn nữa, bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm

Bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, hiện nay, người tiêu dùng luôn quan tâm đến việc đó là đến đâu để mua thực phẩm an toàn. Theo đó, đây chính là trách nhiệm của cơ quan chức năng, quản lý, các Bộ ngành. Thời gian qua, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương luôn bám sát tổ chức, phát triển các hệ thống phân phối, nhất là hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm.

Bộ đã không ngừng rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, thời gian tới, ngoài các cơ chế chính sách của Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới.

Là đơn vị quản lý nhà nước hoạt động thương mại trên môi trường internet, bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, để quản lý an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Thời gian qua, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã tăng cường giám sát hoạt động quản lý thương mại điện tử nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng. Từ năm 2021đến nay, Cục đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, khóa 200 gian hàng, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm.

Nhận định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc hậu kiểm cũng có những bất cập, đó là khi phát hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm thì sản phẩm đã đưa ra thị trường số lượng lớn, việc thu hồi gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương là một trong ba đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn. Vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

https://www.haiduongdost.gov.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: