Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 23/4/2025 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian tới
(Ảnh minh họa)
Cung ứng đủ điện là một trong những yếu tố quyết định thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước . Đảm bảo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, đôn đốc, khuyến khích vận hành các công trình điện thuộc phạm vi quản lý bảo đảm cung ứng đủ điện trong các tháng cao điểm năm 2025 và thời gian tới.
1. Bộ Công thương: chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành và đôn đốc triển khai các dự án nguồn điện, chuẩn bị tốt nhất phục vụ phát điện những tháng cao điểm; Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã có trong quy hoạch; Tập trung đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án truyền tải, thực hiện các giải pháp cấp bách về truyền tải, mua điện từ nước ngoài
2. Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường: Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, chỉ đạo chủ các hồ chứa thủy điện tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm; Tăng cường giám sát, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai, theo dõi sát tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời cung cấp thông tin chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN tăng cường phối hợp hiệu quả, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố đối với các nguồn điện của EVN, PVN và TKV.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, lập kế hoạch sử dụng nước hợp lý, cụ thể cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ưu tiên tối đa nguồn nước dự phòng, tận dụng tối đa các nguồn gió, mặt trời phục vụ phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước, gió, mặt trời tiết kiệm, hiệu quả; Chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả trên địa bàn, nhất là trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời. Áp dụng các giải pháp quản lý tối ưu, thay thế chiếu sáng bằng các đèn tiết kiệm điện, ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, đẩy mạnh triển khai áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.
5. Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn và lưới điện được giao làm chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm hiệu quả vận hành và có thể huy động tối đa công suất phát điện trong những tháng cao điểm năm 2025, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Chủ động các giải pháp bảo dưỡng và chuẩn bị vật tư, thiết bị dự phòng thay thế đối với hệ thống lưới điện phân phối, hạn chế tối đa sự cố, sửa chữa, ngừng, giảm cung cấp điện trong quá trình vận hành.