Thứ bảy, ngày 2/11/2024

Nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành pháp luật

Thứ Tư 31/07/2024 09:29

Xem với cỡ chữ
Phó Thủ tướng Lê Thành Long thông tin, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khoá XV, Chính phủ, Thủ tướng đã giao các bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được QH thông qua. Đến nay, nhiều kế hoạch đã được hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành...
Phó Thủ tướng Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long báo cáo tại Hội nghị.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo dẫn đề tại Hội nghị Quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của QH khoá XV diễn ra ngày 30/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh những kết quả trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho hay, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình QH thông qua 60 luật, nghị quyết quy phạm; Chính phủ, Thủ tướng ban hành hơn 470 nghị định, quyết định quy phạm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các Bộ đã trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến 35 dự án, dự thảo, đề nghị xây dựng luật, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 84 nghị định và quyết định quy phạm.

Về kết quả trình các luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, QH khoá XV, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tại Kỳ họp, QH đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật; xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác và đa số là do Chính trình.

Trong số các luật, nghị quyết được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có 1 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024; 7 luật, 2 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; 3 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025; các nghị quyết còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày QH thông qua.

Dù số lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm trình QH tại Kỳ họp thứ 7 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với nhiều dự án, dự thảo các nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng nhưng hầu hết hồ sơ chuẩn bị bảo đảm chất lượng, đúng quy trình, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong quá trình soạn thảo, trình, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, qua đó đã bảo đảm tiến độ, chất lượng trình như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; các dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An…

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Chính phủ và các cơ quan của QH, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục được thực hiện linh hoạt, chủ động hơn nên dù có những điều chỉnh chương trình, nội dung kỳ họp, trong đó có những vấn đề rất gấp, khó nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, có dự án trình QH theo quy trình 2 kỳ họp nhưng đã vượt tiến độ, trình theo quy trình 1 kỳ họp như dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Có dự án luật được Chính phủ đề xuất soạn thảo theo thủ tục rút gọn với sự quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh thời điểm có hiệu lực, sớm đưa quy định của Luật vào cuộc sống như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; các dự án đề nghị bổ sung vào Chương trình,đồng thời với việc trình QH cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp được thực hiện linh hoạt, đảm bảo đầy đủ quy trình, đạt được sự đồng thuận cao từ phía các cơ quan, đại biểu QH và nhân dân cả nước.

Trên cơ sở đó, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được QH thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, có luật được thông qua với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt như Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản...

Nội dung các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, với nhiều chính sách mới, quan trọng, dự kiến sẽ tác động tích cực đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội như Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…; thúc đẩy sự phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững như Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, thể chế hóa kịp thời một trong ba đột phá chiến lược được xác định tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như Luật Đường bộ; hoàn thiện cơ sở pháp lý và các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô Hà Nội như Luật Thủ đô (sửa đổi) và một số tỉnh, TP.

Khẩn trương tham mưu ban hành hoặc ban hành kế hoạch triển khai thi hành

Về việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long thông tin, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng đã giao các bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được QH thông qua. Đến nay, nhiều kế hoạch đã được hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành như Luật Đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Vẫn theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải ban hành 121 có văn bản, trong đó một số luật phải ban hành khá nhiều văn bản.

Đặc biệt, các Bộ, ngành phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ 1/8/2024. Kết quả, đến nay, các văn bản đều đã được các Bộ hoàn thành việc soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời, đồng bộ với luật.

Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp các Bộ rà soát, gửi thông báo tới HĐND, UBND cấp tỉnh những nội dung luật, nghị quyết giao chính quyền địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 nói riêng và công tác triển khai thi hành pháp luật nói chung, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu một số giải pháp.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao, đôn đốc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, xác định xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật thông qua việc tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân…

Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được QH thông qua vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết. Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung các luật mới để đăng tải trên Cổng thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.

Theo baophapluat.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: