Thứ bảy, ngày 2/11/2024

Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý

Thứ Ba 23/07/2024 14:37

Xem với cỡ chữ
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) 2024 quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong thực hiện quyền tư pháp đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Theo khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

nhiem-vu-toa-an.jpg

Trụ sở TANDTC.

Hiến pháp đã nhấn mạnh việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của TAND; sau đó là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là nhiệm vụ đặc trưng thể hiện cao nhất, tập trung nhất đối với cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Tòa án phải là nơi mà các chủ thể tìm đến lẽ phải, tìm đến sự thật, tìm đến sự công bằng..., tức là tìm đến công lý; có nghĩa là khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc bị tranh chấp, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến công lý. Vì vậy, có thể nói, theo Hiến pháp, Tòa án là biểu tượng của công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý.

Theo các chuyên gia, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sự đổi mới vượt bậc trong các quy định về tổ chức và hoạt động tư pháp. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Tòa án được ghi nhận là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và bảo vệ quyền công dân, các quy định này được đặt trước các quy định về bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Đây là những quy định có tính tương đồng với Hiến pháp nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013, Điều 2 Luật Tổ chức TAND 2024 quy định về vị trí, chức năng của TAND:

1. TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

2. TAND thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

3. TAND nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

Điều 3 về Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, quy định:

1. TAND thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

2. Khi thực hiện quyền tư pháp, TAND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự (gồm vụ án dân sự và việc dân sự), vụ việc phá sản và vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật;

b) Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;

c) Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;

d) Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;

đ) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

e) Tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ;

g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cho ý kiến về quyền tư pháp của Tòa án tại dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, ý kiến phát biểu cũng như quan điểm của cơ quan thẩm tra đều thống nhất cho rằng, việc quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; là cơ sở để xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án trong dự thảo Luật và các luật liên quan.

Trong báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gửi Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Đối với quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy sự cần thiết quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bởi Nghị quyết 27 yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, quy định này chưa được làm rõ, cụ thể hóa nên còn có cách hiểu khác nhau, dẫn tới một số trường hợp việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Tòa án còn lúng túng. Thực tiễn công tác xét xử của các Tòa án cũng đòi hỏi cần làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Do đó, việc quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật có cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn. Quy định này là cơ sở để xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án trong dự thảo Luật và các luật liên quan, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật.

Theo congly.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: