Ngay khi Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tống Văn Lai chia sẻ việc khó có thể tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2024 trong buổi họp báo mới đây, người lao động đã khá hụt hẫng.
Chị Nguyễn Thị Thúy (24 tuổi), công nhân tại Nam Định cho biết, nếu tăng lương tối thiểu vùng trước Tết Nguyên đán, người lao động sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Theo chị Thúy, thời điểm Tết Nguyên đán, người lao động được nghỉ khá dài, thường từ 8 ngày trở lên. Năm ngoái, công ty ít đơn hàng, chị Thúy được nghỉ 12 ngày. Dù vậy, đây cũng là nỗi lo lớn nhất bởi chỉ được hưởng lương 5 ngày, các ngày còn lại nghỉ không lương.
Theo chị Thúy, lương tối thiểu vùng tăng trước Tết Nguyên đán giúp thưởng Tết và các ngày nghỉ cao hơn. Ảnh: NVCC.
“Thông thường, tháng 2 Dương lịch có các ngày nghỉ Tết luôn là tháng lương ít nhất. Bởi tháng 2 chỉ có 28 ngày mà còn bị trừ vài ngày nghỉ Tết không lương” - chị Thúy cho hay.
Thêm một lý do nữa được chị Thúy chia sẻ là các công ty sẽ căn cứ vào mức lương cơ bản để thưởng Tết. Nếu lương tối thiểu vùng tăng đồng nghĩa lương cơ bản cũng tăng theo. Nhờ vậy mà thưởng Tết của người lao động “ấm” hơn so với mức lương tối thiểu vùng cũ.
“Nếu không kịp tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm thì cũng nên tăng trong giữa tháng 1 Dương lịch hoặc trước 15 Tháng Chạp Âm lịch. Bởi thời điểm này là ngày cuối cùng công ty tôi chốt danh sách và số tiền thưởng” - chị Thúy kỳ vọng.
Anh Bùi Văn Kiên (28 tuổi), công nhân ngồi máy chuyên dùng, cho rằng lương tối thiểu vùng tăng trước Tết Nguyên đán rất có lợi. Bởi ngoài được an ủi những ngày nghỉ Tết không lương, tiền thưởng các ngày nghỉ phép cũng được tăng lên.
Anh Kiên mong lương tối thiểu vùng tăng trước Tết Nguyên đán để an tâm về khoản thưởng nghỉ phép cuối năm. Ảnh: NVCC
Thưởng Tết của anh Kiên gồm 2 tháng lương cộng thêm 12 ngày nghỉ phép năm. Trong quá trình làm việc, công nhân nếu không nghỉ phép hàng tháng sẽ cộng dồn vào thưởng cuối năm; ngày phép năm được tính theo mức lương cơ bản.
Đồng tình với chị Thúy, anh Kiên cũng nhận định lương tối thiểu vùng giúp các ngày nghỉ Tết cao hơn. Đồng thời, khi lương tăng trước Tết cũng giúp công nhân và người lao động an tâm nếu chỉ làm giờ hành chính.
“Gần Tết là thời điểm các công ty ít tăng ca dù có nhiều đơn hàng vì sẽ để đầu năm mới triển khai. Nếu ít đơn hàng, khả năng tháng Chạp chỉ làm giờ hành chính, lương tối thiểu vùng thấp, thu nhập cũng bị ảnh hưởng” - anh Kiên chia sẻ quan điểm.
Vì vậy, anh Kiên mong muốn được sớm chốt ngày tăng lương tối thiểu vùng, nên tăng ngay trong tháng 1 hoặc tối đa tháng 2 Dương lịch.
Trong 10 năm qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có 10 lần khuyến nghị Chính phủ tăng lương hoặc giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng. Gần đây nhất vào cuối tháng 7.2023, Hội đồng đã họp bàn về vấn đề này.
Tuy nhiên, lần họp báo mới đây, ông Tống Văn Lai cho biết, các thành viên nhận định trong nửa năm 2023, tình hình kinh tế vẫn chịu nhiều khó khăn, trong đó các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày phải cắt giảm nhân công hoặc giảm việc.
Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận định thời gian khuyến nghị Chính phủ “chưa chín” và lùi phương án trình trong năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thời gian xem xét, quyết định theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.