Chủ nhật, ngày 28/4/2024

Chúng ta cần làm gì với EL Nino?

Chủ Nhật 09/07/2023 10:17

Xem với cỡ chữ
Biến đổi khí hậu, thiên tai và nhân tai đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, đặc biệt là sông ngòi của Việt Nam vốn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ bên ngoài.

El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực trung tâm và Đông Thái Bình Dương xích đạo, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. 

Với các cảnh báo về sự hình thành và khả năng mạnh lên, có thể đạt cấp rất mạnh thì El Nino 2023 đã và sẽ có khả năng gây ra tình trạng thời tiết cực đoan như nắng nóng, thiếu hụt lượng mưa, hạn hán,… và có nguy cơ tác động bất lợi đến nhiều mặt của đời sống, sản xuất. Sự hiểu biết về hiện tượng này cùng với những thông tin cập nhật về hiện trạng và dự báo sự tiến triển của El Nino giúp chủ động hơn trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và có các biện pháp phòng tránh phù hợp. 

Tại khu vực hạ lưu của thủy điện Sơn La người dân có thể đi bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia với lòng sông cạn đầy cát, đá, sỏi. Khu vực này thường ngập sâu hàng chục mét. Ảnh chụp tháng 6/2023.

Ảnh hưởng của El Nino đến thời tiết, khí hậu Việt Nam

Nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của El Nino có thể ảnh hưởng tới điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam, cụ thể như sau:

Trong điều kiện El Nino, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Trung bình mỗi năm có khoảng 10-12 xoáy thuận nhiệt đới, bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới, hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 7 cơn (trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn) ảnh hưởng trực tiếp đến vùng đất liền nước ta. Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn. Ngoài ra, trong điều kiện El Nino, xoáy thuận nhiệt đới thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).

Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường. Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Do ảnh hưởng của El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh, nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối được ghi nhận ở nhiều nơi.

El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng của cả nước, phổ biến từ 25 đến 50%, rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt. 

Tuy vậy, trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thế giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ. Ví dụ như mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7 năm 2015 tại Quảng Ninh là vào lúc El Nino; đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9-2009 sau cơn bão số 9 (Ketsana) tại các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, đỉnh lũ năm 2009 vượt báo động 3 tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên xảy ra trong pha El Nino. Điều này cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.

Nhận định về El Nino năm 2023 và tác động đến Việt Nam

Trong tháng 5 năm 2023, nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) cao hơn mức bình thường ở hầu hết các khu vực ở Thái Bình Dương xích đạo. Cùng với đó, đối lưu gần như không hoạt động trong suốt tháng 4, đã thay đổi thành gió gần bình thường, gió đông ở tầng đối lưu thấp hơn (gió tín phong) trên vùng trung tâm Thái Bình Dương xích đạo cũng suy yếu xuống gần bình thường. Những hình thế/biểu hiện của đại dương và khí quyển cho thấy El Nino đang hiện hữu/tồn tại. 

Thông tin này cũng được cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) xác nhận ngày hồi tháng 6/2023 khi nhiệt độ nước biển đo được đã cao hơn so với trung bình khí hậu 0.5 độ C (ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino). Dự báo El Nino sẽ gia tăng dần về cường độ vào các tháng mùa đông năm 2023-2024.

Dựa trên một số thống kê khí hậu, có thể đưa ra lưu ý về một số tác động trong thời gian tới đối với Việt Nam: Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện có thể không nhiều, tập trung vào chính giữa mùa nhưng diễn biến phức tạp, trái quy luật; Những đợt gió mùa đông bắc ít hơn bình thường, mùa đông có thể đến muộn và kết thúc sớm; Nhiệt độ trung bình các tháng có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm cùng với đó là nắng nóng có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn hơn so với năm 2022; Lượng mưa phổ biết ít hơn so với trung bình từ 25-50% đặc biệt là ở khu vực miền Bắc nhưng có thể xuất hiện các trận mưa lớn cực đoan. 

Đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Những đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục vào năm 2015-2016 và 2019-2020 ở nhiều nơi trên cả nước do ảnh hưởng của El Nino nhắc chúng ta chủ động có giải pháp giảm nhẹ tác động của El Nino.

Một điểm đáng lưu ý và đang nhận được sự quan tâm của toàn cầu đó là tác động kép của hiện tượng El Nino trong bối cảnh BĐKH, tức là BĐKH có thể làm trầm trọng hơn các cực đoan khí hậu thường xuất hiện trong các năm El Nino. Chúng ta vừa trải qua 8 năm nóng nhất được ghi nhận theo số liệu lịch sử.

Sự xuất hiện của El Nino năm 2023 cùng với xu thế nóng lên toàn cầu rất có thể sẽ dẫn đến những đợt sóng nóng mới và tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ đã được xác lập năm 2016. Những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ BĐKH có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của những tác động này.

Bài học kinh nghiệm về ứng phó El Nino 2019/2020

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử do tác động của El Nino, tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể so với sự kiện El Nino năm 2015-2016. Từ mùa hạn mặn này có thể đúc kết được những bài học như sau:

Các cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác dự báo xâm nhập mặn. Việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng cực kỳ quan trọng trong việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước.

Công tác điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành đã giúp thực hiện sớm các giải pháp ứng phó, đặc biệt việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn.

Sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND và các ban ngành ở các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ (thời gian gieo cấy) phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn.

Nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn đã được nâng cao, để từ đó, người dân đã đúc rút kinh nghiệp, có nhiều sáng kiến, chủ động có phương án ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn đã làm giảm nhiều thiệt hại.

Tình trạng khô hạn kéo dài khiến hồ Trị An trơ đáy. Ảnh chụp tháng 5/2023.

Những việc cần làm trước mắt để ứng phó El Nino 2023

Cơ quan Khí tượng Thủy văn và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện ứng phó cụ thể, trong đó tăng giám sát và tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông, không chỉ phần Việt Nam mà cả thượng nguồn các lưu vực sông xuyên biên giới. Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục vụ các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Các địa phương cần rà soát tính toán kiểm kê nguồn nước, đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt, xây dựng các kịch bản tác động cụ thể để có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, trước mắt là đối với vụ hè-thu ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, hay các khu vực có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023.

Các hồ chứa cũng cần lưu ý có giải pháp điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó nguy cơ thâm hụt lượng mưa, bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.

Điều tiết, phân phối lại nguồn nước hiện có, và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả hơn. 

Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chiến lược sử dụng nước, cũng như chính sách phòng ngừa các thảm họa liên quan đến El Nino. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của cán bộ và tổ chức cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ động về nguồn ngân sách, lập kế hoạch kịp thời đối phó với các hiện tượng thời tiết bất thường. 

https://vietnamnet.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: