Chủ nhật, ngày 28/4/2024

Nhu cầu nhân sự CNTT tại Việt Nam vẫn đang nóng

Thứ Tư 05/07/2023 14:28

Xem với cỡ chữ
Thị trường lao động ngành CNTT ở Việt Nam vẫn thiếu số lượng lớn nhân sự chất lượng nhất là trong các lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu và an toàn thông tin.

Doanh nghiệp thương mại điện tử cắt giảm nhân sự

Trong các tháng đầu năm nay, Navigos Group, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự đã ghi nhận sự sụt giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự của nhiều ngành nghề, trong đó có CNTT.

Phân tích nguyên nhân chính của sự sụt giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Navigos Search miền Bắc, đơn vị thành viên của Navigos Group cho hay, giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19 và phục hồi hậu Covid-19, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp CNTT bùng nổ để phục vụ sự tăng trưởng về thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến. Tuy vậy, thời gian gần đây, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế tác động nói chung và thương mại điện tử không còn “sốt” như giai đoạn trước.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp liên quan có những lo ngại về việc duy trì quy mô vận hành quá cồng kềnh trong khi số lượng dự án mới giảm sút. Do vậy, để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả thời gian tới, việc tái cơ cấu đã và đang diễn ra ở nhiều công ty công nghệ với các quy mô điều chỉnh khác nhau. Khi cắt giảm nhân sự xảy ra, đã kéo theo một số vị trí không còn tồn tại hoặc nhu cầu tuyển thay thế không còn nhiều.

Theo chuyên gia Navigos Search, các doanh nghiệp phát triển phần mềm hoặc giải pháp, sản phẩm công nghệ không chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng sụt giảm nhu cầu tuyển dụng thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)

“Từ các biến động trong thị trường lao động ngành CNTT gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy các công ty thương mại điện tử hoặc có liên quan tới thương mại điện tử cắt giảm nhân sự khá nhiều. Nguyên nhân là do trước đó họ đã phát triển quá nóng. Doanh nghiệp phát triển phần mềm hoặc các giải pháp, sản phẩm công nghệ không chịu nhiều ảnh hưởng do mô hình hoạt động kinh doanh khác. Những doanh nghiệp này nếu có tái cơ cấu thì phần lớn là bởi sự suy giảm về số lượng dự án ở thị trường nước ngoài” , bà Nguyễn Thị Thu Giang thông tin thêm.

CNTT Việt vẫn thiếu lượng lớn nhân sự chất lượng

Trao đổi với  VietNamNet , Phó Giám đốc Navigos Search miền Bắc nhận định, những biến động vừa qua trong thị trường CNTT không mang tính dài hạn mà chỉ là nhịp điều chỉnh cần thiết sau khi thị trường đã phát triển quá nhanh trong thời gian ngắn.

Navigos Search vẫn nhận được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong ngành khi họ coi nhịp điều chỉnh này là cơ hội để thu hút những nhân sự có chuyên môn và kỹ năng tốt gia nhập tổ chức. CNTT vẫn thay đổi từng ngày trên thế giới và Việt Nam đi sau không quá lâu nên về lâu dài, ngành CNTT vẫn sẽ duy trì được sức nóng để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam.

"Thị trường lao động ngành CNTT ở Việt Nam vẫn thiếu một số lượng lớn nhân sự chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, nhất là trong các lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam như AI, Data và Cyber Security” , bà Nguyễn Thị Thu Giang nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, với một thế giới kết nối như hiện nay, công nghệ là một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có mục tiêu và chiến lược số hóa nhanh thì nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng lên. Ví dụ, gần đây một số ngân hàng tiếp tục tuyển dụng nhân sự CNTT để thành lập hoặc hoàn thiện các trung tâm số.

Tuy vậy, các chuyên gia Navigos Search chỉ rõ, hiện mỗi năm số lượng sinh viên CNTT tốt nghiệp lên tới hơn 50.000 người, song chỉ khoảng 30% đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Rõ ràng, thị trường lao động còn khá nhiều cơ hội cho những nhân sự có chuyên môn tốt, đồng thời được trang bị kỹ năng mềm và ngoại ngữ.

Thực tế, thời gian qua, để phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu, các cơ quan chức năng như Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách, giải pháp. Trong đó, đại học số được xác định là lời giải cho phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam. Song song đó, việc huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nhân lực CNTT cũng là 1 trong những bước đi đã và đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học triển khai.

Là cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ TT&TT, bên cạnh việc xây dựng mô hình đại học số, thời gian qua, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã mở mới nhiều ngành, chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số.

Chương trình đào tạo đại học về CNTT định hướng ứng dụng được PTIT tuyển sinh từ năm nay. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Theo ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT, năm 2023, nhà trường mở mới 2 chương trình đào tạo đại học là  Kỹ thuật dữ liệu  và  CNTT định hướng ứng dụng . Trong đó, CNTT định hướng ứng dụng là chương trình kết hợp với doanh nghiệp công nghệ, có sự tham gia đào tạo của các chuyên gia đầu ngành đến từ doanh nghiệp, và đặc biệt sinh viên có thể tham gia vào môi trường thực tế của doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. “Đây có thể nói là một chương trình có sức thu hút và có thể nhân rộng trên toàn quốc”, ông Đặng Hoài Bắc chia sẻ.

Dẫu nhận định nhu cầu nhân lực CNTT vẫn ở mức cao thời gian tới, song các chuyên gia cũng khuyến nghị, các bạn trẻ trước khi quyết định theo học ngành này nên xác định rõ về độ phù hợp của bản thân, định hướng lâu dài và chiến lược xây dựng lợi thế cạnh tranh của bản thân để có thể tiếp cận với các cơ hội việc làm tốt trên thị trường sau khi tốt nghiệp.

“Khi một ứng viên có nhiều điểm mạnh và thái độ tốt thì chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, việc luôn trau dồi các lợi thế chuyên môn, khả năng cập nhật công nghệ mới, kỹ năng mềm, ngoại ngữ để nâng cao giá trị của bản thân sẽ khiến cho một nhân sự ngành CNTT không bao giờ hết “hot” trong thị trường lao động” , chuyên gia Navigos Search nêu quan điểm.

https://vietnamnet.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: