Thứ bảy, ngày 23/11/2024

"Văn hóa còn thì dân tộc còn" và những lời tâm huyết của Tổng Bí thư

Thứ Ba 30/11/2021 14:07

Xem với cỡ chữ
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc hôm 24.11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan điểm "văn hóa còn thì dân tộc còn", văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc, mất văn hóa là mất dân tộc.


Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày 3.3 âm lịch hằng năm là ngày mất của đệ nhị tổ Pháp Loa (ảnh tư liệu)

Mệnh đề "Văn hoá còn thì dân tộc còn" đã nói lên tầm quan trọng và vai trò của văn hoá đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"! Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 

Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn

Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hoá của dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra "Đề cương văn hoá Việt Nam", trong đó chỉ rõ "Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá)".

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu "Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá", "xây dựng đời sống mới", văn hoá Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện lời kêu gọi thiết tha, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của văn hoá Việt Nam: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!", "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!". 

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ mới (Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII năm 1998, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết Trung ương khoá XI năm 2014...). 

Tổng Bí thư đã khái quát quan điểm của Đảng ta: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta...

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, tiêu cực trong phát triển văn hoá

Không né tránh, Tổng Bí thư đã chỉ ra: Văn hoá chưa được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.

Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn. Đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn.

Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá. Đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Tổng Bí thư còn thẳng thắn chỉ ra: Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Từ những đánh giá khách quan, toàn diện và thể hiện quan điểm lãnh đạo của Đảng về văn hoá, Tổng Bí thư đã nêu yêu cầu thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung xây dựng con người. Đó là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực; chú trọng thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Trong 4 nhóm giải pháp được đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh giải pháp về nhận thức: trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; đồng thời chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Cuối bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nhắc lại những giá trị văn hoá truyền thống của con người Việt Nam ta được đúc kết thành những câu châm ngôn truyền miệng, mang ý nghĩa giáo dục cao, như: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "chân quê"; giữ lấy tình nghĩa thuỷ chung son sắt...
 
Phải chăng, những lời tâm huyết, sâu sắc của người lãnh đạo đứng đầu Đảng ta là sự thể hiện cao độ trách nhiệm chính trị và lương tâm, đạo đức cánh mạng với Tổ quốc, với Nhân dân. Mỗi chúng ta dù là người dân hay cán bộ, đảng viên đều cần "nhìn lại" và quyết tâm thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình, góp phần cho văn hoá Việt Nam được bảo tồn, phát triển, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. 


CÁC BÀI VIẾT KHÁC: