Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục vào ngày 08/11/2021 theo hình thức họp tập trung

Thứ Hai 01/11/2021 05:28

Xem với cỡ chữ
Chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, đã kết thúc Đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến. Đợt 1 Kỳ họp đã hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ nội dung chương trình, đảm bảo đúng chất lượng, các phiên họp tổ và thảo luận trực tuyến diễn ra sôi nổi; nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước như: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới; việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.... Các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia ý kiến vào các báo cáo công tác của khối Tư pháp, Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng.

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục vào ngày 08/11/2021 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội để thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, đầu tư công và công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Quốc hội cũng sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thống kê; biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp và nhiều Nghị quyết quan trọng khác.

Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho công tác chất vấn tại Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV với 4 nhóm vấn đề: lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo.

Đối với lĩnh vực y tế  sẽ chất vấn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua; chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược về vaccine trong thời gian tới. Việc bảo đảm cung cấp và quản lý giá xét nghiệm đối với các vật tư y tế liên quan đến COVID-19; thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế… 

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội , nội dung chất vấn sẽ xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi do đại dịch. Thực trạng, nguyên nhân người lao động rời Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; các chính sách thu hút lực lượng lao động trở về làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách. 

Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư , nội dung chất vấn về giải pháp phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh kinh doanh để phục hồi phát triển sản xuất và kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư được phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch của năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư cho phát triển. 

Đối với giáo dục, đào tạo, nội dung chất vấn về việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong điều kiện COVID-19; công tác dạy học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh. 

 

VPTU (nguồn Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: