Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Chủ Nhật 03/10/2021 10:24

Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược   là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Xanh hóa nền kinh tế

Chiến lược đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Mục tiêu chủ yếu là đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1,0-1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15-20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động và tại đô thị loại I đạt 10% số lượng xe buýt mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt ít nhất 70%.

Định hướng chiến lược

Định hướng chung của Chiến lược là tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Chiến lược định hướng nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.

Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên…

Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên.

Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế-sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…

Để đạt được các mục tiêu và định hướng phát triển mà Chiến lược đề ra, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, trong đó phân công các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hội nhập và hợp tác quốc tế; bình đẳng trong chuyển đổi xanh; huy động sự tham gia các bên liên quan.

* Xem chi tiết  Quyết định 1658/QĐ-TTg  tại đây./.

Tại tỉnh Hải Dương, Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong sáu chương trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa Chương trình hành động triển khai cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu là tỉnh đi đầu trong mô hình tăng trưởng xanh, trên cơ sở quan điểm xuyên suốt là kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; nhanh chóng nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá, bền vững; lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt nhằm phát triển kinh tế bền vững, có hiệu quả, bảo vệ giữ gìn môi trường. 

Chương trình đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thảo luận, quyết nghị thông qua tại Hội nghị lần thứ 6 với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

- Khơi dậy khát vọng phát triển của tỉnh, làm rõ đổi mới tư duy, nhận thức tầm nhìn phát triển theo kịp thế giới, khu vực; đồng thời, nâng cao nhận thức về phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng xanh; tạo ra phong trào thi đua có sức lan tỏa trong các thành phần kinh tế, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; nhất là các nguồn lực từ tài nguyên khoáng sản, tài chính tín dụng và các nguồn lực xã hội khác. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp và đô thị.

- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, coi đây là động lực tăng trưởng chủ yếu của tỉnh trong 10 năm tới; thu hút dòng vốn đầu tư FDI có chất lượng, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư vào tỉnh; từng bước hạn chế và tiến tới không thu hút các doanh nghiệp sử dụng nhiều đất đai, lao động… nhưng giá trị gia tăng thấp, gây ô nhiễm môi trường.Đẩy mạnh phát kinh tế nông nghiệp nông thôn, kinh tế đô thị và dịch vụ chất lượng cao, lấy đô thị làm động lực quan trọng; tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; lưu ý quan tâm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương để từng bước xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tầm cỡ trong tỉnh, trong nước và trên thế giới. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bứt phá.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với hệ thống giải pháp đồng bộ về bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ; thực hiện tốt Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; xử lý dứt điểm những vấn đề về môi trường ở những cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng trong tỉnh. Để triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề và 6 đề án thành phần thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo.

 

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: