Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Hải Dương: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"

Thứ Tư 06/09/2023 10:11

Xem với cỡ chữ
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Tọa đàm thực trạng và giải pháp xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Cẩm Giàng

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Việc học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác dân vận được xác định rõ và phân công cụ thể.

Tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, tiêu biểu như: Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 20/8/2013 về việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW; Kết luận 129-KL/TU ngày 01/3/2019 về việc triển khai Kết luận số 43-KL/TW; Nghị quyết 23-NQ/TU ngày 25/10/2019 về đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền tham gia phòng ngừa và giải quyết các điểm phức tạp, nổi cộm trên địa bàn tỉnh; Quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương;... Các huyện ủy, thị ủy, thành uỷ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Từ năm 2013 đến hết năm 2022, cấp ủy các cấp đã ban hành 1.214 văn bản cụ thể hóa về công tác dân vận.

Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 25, Kết luận số 43 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận và đưa vào Chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm của các cấp ủy, tổ chức đảng. Từ năm 2013 - 2022, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành 1.224 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác dân vận đối với tổ chức đảng, đảng viên. Sau các cuộc kiểm tra, giám sát đều ban hành thông báo kết luận, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng được kiểm tra, giám sát xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, yếu kém; đồng thời tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra đối với các tổ chức đảng và đảng viên theo quy định.

Công tác phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang về nhiệm vụ dân vận được thực hiện thường xuyên, đem lại hiệu quả nhất định. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội đã có chuyển biến tích cực, sâu sát cơ sở; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Giai đoạn 2013 - 2022, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tiến hành 11.872 cuộc giám sát, 2.889 cuộc phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; phối hợp tổ chức 15.280 cuộc đối thoại cấp uỷ, chính quyền với nhân dân.

Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với doanh nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022

Công tác tiếp dân và đối thoại với nhân dân được duy trì thường xuyên, qua đó đã kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân. Từ năm 2019 đến hết tháng 6 năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã tổ chức tiếp 17 cuộc với 116 công dân; các đồng chí Bí thư cấp huyện tổ chức tiếp 273 cuộc; các đồng chí Bí thư cấp xã tiếp 9.277 cuộc. Từ năm 2013 đến hết năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức được 13 buổi đối thoại, gặp mặt với các doanh nghiệp và 105 buổi đối thoại, gặp mặt với người dân. Cùng với đó, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội được đẩy mạnh ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực… Toàn tỉnh hiện nay đã xây dựng được hơn 1.000 mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu ở các lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai, thực hiện công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước các cấp có chuyển biến hơn nhưng chưa mạnh, chưa đều; việc nắm tình hình, phản ánh, đề xuất giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh trong nhân dân còn lúng túng, thiếu linh hoạt; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế; chưa chú trọng theo dõi việc khắc phục, xử lý các vấn đề sau giám sát; hoạt động của khối dân vận cơ sở, tổ dân vận thôn, khu dân cư tuy đã được đổi mới nhưng còn chậm, hình thức chưa đa dạng, phong phú; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác dân vận có lúc chưa chặt chẽ...

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là các nghị quyết, kết luận của trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của Ban Dân vận các cấp trong việc tham mưu đổi mới hoạt động dân vận theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn địa bàn. Đẩy mạnh công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Làm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội, tình hình nhân dân, triển khai nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tăng cường tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; đa dạng hóa hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên, đổi mới các phong trào thi đua; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Tích cực công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến trong công tác dân vận để nhân rộng trên toàn tỉnh...

Trần Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: