Thứ ba, ngày 26/11/2024

Làm gì để "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"?

Thứ Sáu 03/12/2021 22:12

Xem với cỡ chữ
Trích đăng bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
 
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII
10 dấu ấn năm 2021

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII được tổ chức trong 1,5 ngày, không khí diễn ra khẩn trương, dân chủ, đồng lòng, rất hiệu quả.

Phần thảo luận tổ có 52 lượt ý kiến phát biểu, tại hội trường đã có 5 lượt ý kiến phát biểu, chúng ta có 57 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến thẳng thắn với tinh thần xây dựng cao đề cập đến những vấn đề thuộc thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra đòi hỏi chúng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Đây là hội nghị lần thứ 7 khóa mới nhưng cũng là hội nghị vào thời điểm cuối năm và thời điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được trên 1 năm. Đây chính là thời điểm chúng ta nhìn lại sau một năm nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chúng ta đã tạo ra những dấu ấn gì nổi bật, còn những hạn chế gì cần phải khắc phục và chuẩn bị cho bị hành trang của năm 2022. Chúng ta phải tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức nào và cần tập trung những giải pháp nào. Với cách tiếp cận như vậy, tôi xin phát biểu tập trung vào một số vấn đề sau đây.

Về năm 2021, đầu năm chúng ta đã phải đối mặt với thử thách y tế chưa từng có và lớn nhất từ trước đến nay. Cả nước đều quan tâm và hướng về Hải Dương. Tuy nhiên, chúng ta vững vàng vượt qua thử thách này và tiếp tục các thử thách tiếp theo của đợt dịch thứ tư với những diễn biến phức tạp và chúng ta đứng vững, có sự tăng tốc để đạt được thành quả như ngày hôm nay. Có thể kể ra 10 dấu ấn của năm 2021 mà tôi xin ra nêu ra ở đây.

Dấu ấn thứ nhất là nỗ lực của cả hệ thống chính trị vượt qua đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ ba và kiểm soát tốt đợt dịch tiếp theo. Hải Dương là một trong số tỉnh kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Dấu ấn thứ hai là trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, chúng ta vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

Dấu ấn thứ ba là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII với cách làm đổi mới, sáng tạo, đã khơi dậy được khát vọng phát triển mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Đây là điểm rất mới. Có thể nói trong cả năm qua khó khăn như vậy nhưng chính nhờ khát vọng phát triển chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn và tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã thấm sâu, lan tỏa vào nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên góp phần định hướng hoạt động của chúng ta.

Dấu ấn thứ tư là các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh tăng tốc trong những tháng cuối năm, nhờ đó tổng giá trị sản phẩm có mức tăng rất khá. Theo Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng GRDP ước đạt khoảng 8,6%. Đây là mức tăng mà chúng ta rất mong đợi nhưng đầu năm không dám nghĩ đến. Với mức tăng này, Hải Dương đứng thứ tư trong vùng đồng bằng sông Hồng. Hải Phòng tăng trưởng 12,38%, Quảng Ninh 10,28%, Hà Nam 8,85%, Hải Dương 8,6%. Đứng sau Hải Dương là Vĩnh Phúc 8,02%, Bắc Giang 7,8%, Nam Định 7,7%, Bắc Ninh 6,9%, Thái Bình 6,68%, Hưng Yên 6,52%, Ninh Bình 5,71%, Hà Nội 2,92%. Còn trong cả nước thì chúng ta đứng thứ 8, lọt vào trong top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước trong bối cảnh khó khăn. Đây là kết quả bước đầu khẳng định sự bứt phá và tăng tốc của chúng ta. Cùng với đó, thu ngân sách như đồng chí Cục trưởng Cục thuế vừa báo cáo đạt 19.290 tỷ đồng, tăng khoảng gần 50% so với kế hoạch đặt ra và 14% so với cùng kỳ. Đây là điểm sáng nổi trội trong năm 2021. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì nông nghiệp là một điểm sáng rất đáng lưu ý với tốc độ tăng trưởng 6,8%, còn công nghiệp tăng trưởng 11,8%. Chính hai đầu tàu này kéo nền kinh tế đi lên mặc dù dịch vụ tăng trưởng âm và lĩnh vực xây dựng không có sự tăng trưởng.

Dấu ấn thứ năm, chúng ta hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh với 100% số huyện đã hoàn thành và chúng ta đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận là tỉnh nông thôn mới. Rất tiếc là do dịch bệnh nên vừa qua một số huyện đã có kế hoạch đón danh hiệu nông thôn mới nhưng phải tạm dừng lại.

Dấu ấn thứ sáu là chúng ta đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, cơ bản hoàn thành điều chỉnh quy hoạch vùng miền và lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, cùng với đó là xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất với tư duy phát triển mới mang tính đột phá.

Dấu ấn thứ bảy là trong bối cảnh khó khăn, Hải Dương đã thành lập mới 4 khu công nghiệp, mở rộng thêm được 1 khu công nghiệp và hiện nay đang giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng để tạo ra bất động sản công nghiệp để thu hút vốn đầu tư với tổng diện tích là 1.170 ha. Đây là điều rất quý bởi hiện nay hạ tầng về công nghiệp cho thuê đang rất thiếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Có được diện tích này chính là động lực tăng trưởng cho năm 2022.

Dấu ấn thứ 8 là các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục được duy trì, công tác giáo dục và đào tạo có những thành tích nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên ở một số lĩnh vực. Mặc dù còn khó khăn như vậy nhưng giáo dục vẫn có điểm sáng, đời sống của nhân dân Hải Dương không bị đứt bữa, không có tình trạng người dân thất nghiệp đến mức độ làm cho cuộc sống khốn khó. Các đoàn thể, các tổ chức chăm lo đời sống nhân dân rất tốt, các chính sách hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng Covid-19 đều được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ, có cái thực hiện tốt hơn.

Dấu ấn thứ 9 là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của MTTQ được quan tâm và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ có nhiều đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát hoàn thành chương trình đã đề ra. Công tác dân vận có nhiều đổi mới. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã bám sát các nhiệm vụ chính trị địa phương và có nhiều đổi mới trong hoạt động. Đặc biệt ghi nhận vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Dấu ấn thứ 10 là công tác quốc phòng, quân sự địa phương được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo nền tảng cho kinh tế- xã hội phát triển. Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta phải phong tỏa cả tỉnh, phải cách ly từng khu vực nhưng vẫn bảo đảm được sự ổn định về chính trị, giữ vững an ninh chính trị trên từng địa bàn, trật tự an toàn xã hội. Đây là điều rất quan trọng.

5 hạn chế

Bên cạnh những thành tựu như vậy, chúng ta thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế. Tôi xin nêu lên 5 hạn chế mà chúng ta cần quan tâm.

Thứ nhất, còn 4/16 chỉ tiêu không đạt. Trong đó, chỉ tiêu đáng lưu ý là vốn đầu tư phát triển/tổng giá trị sản phẩm chỉ đạt tỷ lệ 33%. Số doanh nghiệp mới được thành lập giảm 12% so với năm 2020, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nội địa của tỉnh Hải Dương. Tỷ lệ đô thị hóa chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo chưa đạt yêu cầu. Giá trị sản xuất của ngành xây dựng chỉ bằng 87,9% kế hoạch năm, giảm 3,4% so với năm trước. Có một nguyên nhân là các thủ tục đầu tư còn chậm, việc đưa nguồn vốn đầu tư công vào xây dựng chưa nhanh, chưa kịp thời nên giá trị ngành xây dựng giảm. 

Thứ 2, đó là thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hải Dương mới thu hút được 298,1 triệu USD, bằng 63% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn sang tỉnh bạn, chúng ta thấy thu hút đầu tư rất sôi động. Đây là điểm hạn chế chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để sang năm tới có sự chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. 

Thứ 3, tiến độ thực hiện trình tự thủ tục đầu tư ở một số khâu vẫn chậm so với yêu cầu "tăng tốc". Đã nói là "tăng tốc" thì mọi cái phải nhanh nhưng hiện nay là trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án, đặc biệt là dự án đầu tư về hạ tầng, bất động sản, thu hút đầu tư các dự án ngoài khu công nghiệp còn chậm. Công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ, chưa thực sự thông thoáng. Môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện.

Thứ tư, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn làm chậm tiến độ triển khai một số dự án. Vừa qua, nhiều dự án về đầu tư công liên quan đến một số tuyến đường thuộc vốn đầu tư công của Trung ương trực tiếp tôi phải đi chỉ đạo, cho ý kiến thì mới khơi thông được. Qua đó muốn nói vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong vấn đề này, chỉ đạo mạnh tay thì xong. Như vậy chứng tỏ chúng ta vẫn có thể làm được nhưng không quyết liệt. Nếu cấp trên chỉ đạo quyết liệt rồi chúng ta mới vào cuộc.

Thứ 5, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu. Chúng ta kết nạp được 1.730 đảng viên, mới đạt 78,63%.

4 vấn đề rút ra

Sau một năm nhìn lại, tôi xin rút ra 4 vấn đề.

Thứ nhất, nhìn lại một năm 2021 đầy biến động, nỗ lực, tôi khẳng định là những định hướng chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII là trúng, đúng và phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với tư duy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc, soi lại thực tiễn năm qua với tư duy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, với các trụ cột, với các triết lý phát triển, các trục phát triển, trung tâm phát triển thì chúng ta đang đi đúng hướng. Đây là điểm rất quan trọng. Chúng ta khẳng định 1 năm vừa qua con đường đang đi là đúng với xu thế phát triển. Ban đầu khái niệm tăng trưởng xanh còn rất xa nhưng gần đây không còn như thế nữa. Trực tiếp Thủ tướng Chính phủ tham gia những diễn đàn về tăng trưởng xanh, các nước đi theo tăng trưởng xanh, nhiều tỉnh đi theo tăng trưởng xanh.

Chúng ta có thể thấy là chuyển đổi số rất rõ. Rõ ràng nhờ chuyển đổi số, chúng ta có sự tăng trưởng, phát triển như năm vừa qua.

Thứ 2, chúng ta phải khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu. Phát huy sức mạnh đoàn kết trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từ đó lan tỏa trong toàn Đảng bộ thì chúng ta có thể vượt qua khó khăn trong đại dịch, có thể tăng tốc về đích. Đó là điều thứ hai chúng ta phải chú trọng. Khát vọng phát triển là điểm rất mới trong tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng này phải thấm hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ và chỉ có đoàn kết mới thực hiện được khát vọng. Hàn Quốc có một câu rất hay là: “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Hải Dương chúng ta muốn phát triển thì phải đi cùng nhau, đoàn kết với nhau. Tôi dự Hội nghị công bố sách Trắng ở châu Âu, một diễn giả châu Âu nói là: “Thà cùng nắm tay nhau đi trong bóng tối còn hơn là một mình đi ngoài ánh sáng". Tức là người ta muốn nói thế này: “Trong khó khăn, trong đại dịch mà chúng ta đoàn kết với nhau cùng vượt qua thì còn hơn là đi một mình trong những nơi khác”.

Thứ 3, công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thống nhất, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo theo đúng tinh thần "5 rõ" thì hiệu quả mới cao. Vừa qua chúng ta đề ra "5 rõ", tôi rất tự hào là "5 rõ" đang thấm đến từng chi bộ, từng đảng viên, rất nhiều huyện áp dụng "5 rõ" này tốt. Rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, cuối cùng là rõ trách nhiệm. "5 rõ" này là điều chúng ta rút ra của năm qua cùng với "6 dám" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. "3 không", "5 rõ", "6 dám" thì "5 rõ" là trung tâm.

Thứ tư, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Thu ngân sách có bền hay không, sự phát triển của chúng ta có bền được không thì câu trả lời là doanh nghiệp. Doanh nghiệp bền vững, chúng ta bền vững, doanh nghiệp thất bát, chúng ta thua thiệt cho nên chúng ta phải đồng hành với doanh nghiệp. Và thực hiện phương châm đó, suốt 1 năm qua, tôi, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã lãnh đạo các ban, sở, ngành liên tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Tôi công khai số điện thoại, công khai email và người ta điện cho tôi liên tục, từ một cô kế toán doanh nghiệp, công nhân, rồi giám đốc doanh nghiệp gọi cho tôi và chúng ta tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại sao phải "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"?

Bước sang năm 2022, chúng ta sẽ hành động tiếp theo như thế nào? Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chủ đề năm mới, tôi rất mừng là qua thảo luận, các đồng chí đều đồng thuận với chủ đề này. Tôi xin nhắc lại chủ đề này là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”.

Tại sao phải đặt ra chủ đề này? Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất cân nhắc. Thích ứng linh hoạt đó là một giải pháp của Chính phủ, của Trung ương, của Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng, những ngày qua nếu chúng ta không thích ứng linh hoạt mà đóng cửa vào để "No Covid" thì coi như chúng ta chặn đường phát triển. Thời gian vừa qua, trong quá trình thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì số ca bệnh trong tỉnh vẫn tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn thích ứng linh hoạt, kể cả với chủng virus mới để tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Tại sao nói là tăng trưởng bứt phá? Sang năm 2022, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để tặng trưởng bứt phá và chúng ta mạnh dạn đặt chỉ tiêu phấn đấu là 10%, là 2 con số. Vì sao tôi phải nói như vậy? Bởi vì năm 2021 là năm chúng ta vừa chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân nhưng cũng là năm tạo nền tảng cho 4 năm, cho 10 năm. Đặc biệt năm 2022 có sự phát triển mạnh mẽ hơn vì chúng ta đã hoàn thiện xong quy hoạch. Muốn phát triển được phải có quy hoạch, quy hoạch chính là đường băng để có thể cất cánh.

Năm 2021 có sự chuẩn bị đầu tư, các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân sách nhà nước đang chuẩn bị tích cực ở năm 2021 và sẽ được giải ngân, khởi công vào năm 2022. Cuối năm 2021 sẽ có hàng loạt công trình được triển khai với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Làm thế nào để "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"?

Như vậy, nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2022 là thích ứng linh hoạt và tăng trưởng bứt phá. Vậy làm như nào để thích ứng linh hoạt thì tôi đề nghị chúng ta thống nhất lãnh đạo trong toàn hệ thống chính trị là tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đó, phân cấp mạnh cho từng huyện, từng xã cho tới từng khu dân cư trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn của mình, quyết định và tự chịu trách nhiệm về những biện pháp đó, tỉnh hỗ trợ, tăng cường cả về kinh phí, con người, lực lượng. Như thế mới gọi là linh hoạt. Cho nên ngay cả việc học của các cháu nơi này có thể học trực tuyến nhưng nơi kia vẫn đi học trực tiếp tùy theo điều kiện từng nơi. Cái linh hoạt đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng biến, đối phó của từng cấp chính quyền, từng cấp ủy, chủ yếu là cấp huyện, cấp xã cho tới khu dân cư.

Cùng với đó, chúng ta tập trung bao phủ vaccine 2 mũi đầy đủ, thực hiện 5K kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức tự giác trong từng gia đình, từng cá nhân và tổ chức sản xuất, kinh doanh, các hoạt động xã hội, trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh. Chúng ta phải quen dần với điều đó.

Câu hỏi thứ hai, làm thế nào để phát triển bứt phá? Đây là câu hỏi chúng ta cần tập trung trả lời. Năm 2021 là tăng tốc thì năm 2022 là bứt phá, bứt phá bằng những biện pháp nào?

Tôi đề nghị là muốn bứt phá không còn cách nào khác là chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện tất cả các công việc với một quyết tâm chính trị cao hơn, với một nỗ lực lớn hơn, với một cách làm sáng tạo hiệu quả hơn và chỉ có nhanh hơn mới bứt phá. Cái hạn chế nhất của chúng ta hiện nay là mọi việc đúng hướng rồi nhưng chậm thì bây giờ phải làm nó nhanh lên thì chúng ta mới tạo được sự bứt phá.

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Tôi đề nghị chúng ta thống nhất lãnh đạo chỉ đạo thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tập trung thu hút đầu tư FDI. Chúng ta sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mở một chiến dịch thu hút mạnh mẽ FDI để nhanh chóng lấp đầy khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.170 ha và 20 cụm công nghiệp với diện tích 1.244 ha, tổng diện tích khoảng 2.414 ha thu hút đầu tư FDI. Hết sức quan tâm để đón bắt đầu tư nước ngoài, chuyển dịch vào Việt Nam với cơ hội mới. Làn sóng này chỉ diễn ra trong 3 năm, nếu chúng ta không đón bắt thì không còn cơ hội.

Thứ 2, phải đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư, rút ngắn thời gian đáng kể, tôi nhắc lại là rút ngắn đáng kể thủ tục đầu tư dự án so với quy định pháp luật và so với chính chúng ta hiện nay. Tại sao các tỉnh khác làm được mà chúng ta không làm được việc này?

Đối với các công trình mới, chúng ta tập trung vào các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các công trình phát sinh khi điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh, đặc biệt chú trọng các công trình giao thông kết nối liên vùng tạo ra không gian phát triển mới và các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục. Hạn chế tối đa các công trình nhỏ lẻ nâng cấp sửa chữa trụ sở làm việc cùng với đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa thu hút vốn đầu tư cho giáo dục và y tế. Tôi đề nghị trong quy hoạch, ngoài quy hoạch đầu tư công thì phải quy hoạch thu hút đầu tư vào giáo dục và y tế để giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công. Cùng với đó chúng ta phải thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Đây mới là nguồn lực lớn. Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cùng với địa phương có liên quan tập trung cao độ  tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh triển khai hạ tầng của 6 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp và tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới.

Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn FLC, ECOPARK, T&T, TH Truemilk, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn… nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để xử lý theo quy định của pháp luật và đưa vào đầu tư phát triển. Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát tất cả các dự án chậm triển khai, thu hồi lại, bàn giao cho nhà đầu tư mới để thực hiện các dự án. Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra thông điệp rất rõ: Các các cụm công nghiệp giao cho chủ đầu tư trong 1 năm không thực hiện sẽ thu hồi lại.

Thứ 3, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách; tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; điều hành ngân sách một cách linh hoạt với vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh và phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh giải pháp chúng ta cần tận thu tối đa các nguồn thu còn dư địa của tỉnh. Rõ ràng chúng ta còn dư địa để thu ngân sách, đó là nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chống thất thu trong các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt tôi nhấn mạnh đấu giá chính là một biện pháp tăng thu cho ngân sách. Đề nghị UBND tỉnh ban hành hướng dẫn quy trình chuẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất cho tất cả các địa phương thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất ban hành và đôn đốc việc bàn giao, nghiệm thu các khu đô thị giao cho địa phương quản lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước với thị trường bất động sản.

Qua thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản thống nhất với việc ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách thống nhất nguyên tắc là phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh để điều tiết ngân sách, không để các địa phương cấp huyện phải thiếu trong việc cân đối chi thường xuyên nhưng phải bảo đảm tập trung ngân sách chi cho đầu tư phát triển.

Thứ tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư. Đối với các cấp chính quyền phải xác định năm 2022 có thể coi là năm giải phóng mặt bằng vì phải thu hồi, giải phóng mặt bằng hàng nghìn ha đất thực hiện các công trình. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất các huyện phải thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư huyện ủy trực tiếp làm trưởng ban.  Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng này có trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giải phóng mặt bằng. Giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế, kể cả về hệ số giá đất để tạo thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hồ sơ.

Đối với tỉnh, tôi đề nghị thành thành lập Ban Chỉ đạo về giải phóng mặt bằng của tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã trong giải phóng mặt bằng. Năm 2022 có bứt phá được hay không phần lớn nhờ việc giải phóng mặt bằng. Phải rất quyết liệt mới làm được việc này.

Thứ 5, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển với phương châm: Cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp; phải đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm; coi những doanh nghiệp lớn là đối tác quan trọng của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc riêng, gặp gỡ với các đối tác này.

Thứ 6, ứng dụng sâu rộng chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để thúc đẩy tốc độ phát triển. Chúng ta muốn phát triển bứt phá phải nhờ chuyển đổi số. Tôi đề nghị tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả Nghị quyết số 06 về chuyển đổi số của tỉnh, trong đó tập trung triển khai nhanh chóng các dự án về chuyển đổi số và đầu tư thỏa đáng cho chuyển đổi số, hình thành các trụ cột về chuyển đổi số: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số

Thứ 7, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08 về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và từng địa phương, từng cơ quan, từng sở, ngành phải xác định cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng.

Thứ 8, chú trọng các giải pháp nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa phương. Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhanh chóng hoàn thiện đề án về phát triển nhân lực, có giải pháp để thu hút, bố trí nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực vừa trước mắt vừa lâu dài.

Thứ 9, cùng với việc phát triển kinh tế phải tiếp tục tổ chức tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, chăm lo đời sống người dân và an sinh xã hội.

Thứ 10, tiếp tục thực hiện tốt công tác công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường để tạo môi trường ổn định cho sự phát triển.

Tóm lại, trong năm 2022, để tạo sự phát triển bứt phá phải thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.

Những điểm nổi bật trong công tác xây dựng Đảng

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, công tác kiểm tra, giám sát, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2022, qua thảo luận các đồng chí cũng đặt ra nhiều vấn đề và cơ bản đồng tình với báo cáo, phương hướng năm tới. Nhìn lại năm 2021, công tác xây dựng Đảng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt được cái gì nổi bật?

Chúng ta thấy mấy điểm thế này: Điểm thứ nhất là trong công tác xây dựng Đảng, đã hoàn thành việc quán triệt, triển khai toàn bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Cụ thể hóa, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng. Sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, quy chế của cấp ủy các cấp. Đổi mới về công tác cán bộ, đó là sửa đổi các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Cùng với đó là việc sắp xếp phân công nhiệm vụ tổ chức bộ máy sau đại hội, kiện toàn các chức danh.

Đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, đặc biệt là phát huy được vai trò trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.

Về hạn chế, hạn chế lớn nhất hiện nay là việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt của chi bộ và phát triển đảng trong các doanh nghiệp, trong các tổ chức đoàn thể chưa tốt dẫn tới chưa đạt được tỷ lệ phát triển như mong muốn. Đây là điều phải hết sức lưu ý.

Sang năm 2022, đối với công tác xây dựng Đảng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tôi đề nghị tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương như Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị... để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.

Tất cả các chương trình kiểm tra, giám sát, chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều phải tiến hành thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm tra, giám sát trong giai đoạn phát triển này đóng vai trò hết sức quan trọng để kịp thời kiểm tra, giám sát phát hiện những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị để kịp thời uốn nắn, để cho sự phát triển đi đúng hướng, đi đúng đường và không để xảy ra những vi phạm đáng tiếc nào.

Nhiệm vụ năm 2021 chúng ta đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm. Đây là thời điểm rất nhạy cảm, thời tiết đang ở vụ đông, nhiều nơi trong tỉnh ta dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tôi đề nghị các đồng chí ở cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu tăng cường, quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch, cùng với đó là tập trung làm tốt công tác tổng kết năm, tổ chức các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ, kỳ họp HĐND các cấp để truyền tải nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nghị quyết của HĐND tỉnh, tạo nên sự thống nhất về nhận thức và hành động trong năm tới. Chúng ta tự tin bước vào năm 2022 với quyết tâm vừa thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, vừa tạo sự phát triển bứt phá. Để phát triển bứt phá, tôi rất mong Ban Chấp hành Đảng bộ của chúng ta và đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Hải Dương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo với nỗ lực chính trị cao, quyết tâm cao, đặc biệt có khát vọng phát triển mạnh mẽ để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, đưa tỉnh Hải Dương có những bước phát triển mới.
Theo Báo Hải Dương