Thứ sáu, ngày 29/3/2024

Tỉnh Hải Dương xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2021

Thứ Bảy 05/12/2020 09:10

Xem với cỡ chữ
Ngày 03-04/12/2020, tại Nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Các đại biểu dự Hội nghị (ảnh: Baohaiduong.vn)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem xét, thảo luận thống nhất 4 nội dung quan trọng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, với dự báo năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; những khó khăn của doanh nghiệp năm 2020 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2021, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất lựa chọn chủ đề của năm 2021 tỉnh Hải Dương là “vượt khó và tăng tốc” để tập trung triển khai thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung sau:

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu (ảnh: Baohaiduong.vn)

Khẩn trương xây dựng và hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong năm 2021. Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở cần nghiêm túc xác định quy hoạch tỉnh là sản phẩm của cả hệ thống chính trị, đảm bảo tính định hướng phát triển với tầm nhìn xa, bám sát chiến lược, quan điểm phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và thời gian tới. Yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cần rà soát, tổng hợp những định hướng mới, hoạch định chiến lược phát triển, ý tưởng để cơ quan tư vấn tiếp thu, thể hiện ý tưởng trong quy hoạch vùng huyện để tích hợp vào các nội dung xây dựng quy hoạch tỉnh. Phấn đấu đến tháng 9 năm 2021 phải lập xong quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong năm 2021.

Xác định Quy hoạch sử dụng đất 2021-2030 là một quy hoạch quan trọng trong Quy hoạch tỉnh, Với quan điểm sử dụng thông minh, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài nguyên này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp ngay nhu cầu sử dụng đất theo nguyên tăc ưu tiên phát triển khu công nghiệp, tỉnh sẽ tiến hành đầu tư, làm điểm một khu công nghiệp chuyên thu hút về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tư duy lại việc phát triển khu đô thị, đặc biệt những đô thị nhỏ vì chưa đảm bào mục tiêu phát triển đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn; ưu tiên đất để làm các dự án giao thông kết nối đã có nguồn vốn đầu tư, các dự án của các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh. Từng huyện, thành phố, thị xã cần xác định bao nhiêu khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư là phù hợp; trước mắt tạm dừng giao chủ đầu tư các cụm công nghiệp và các khu đô thị chưa đấu giá. Việc rà soát cần hoàn thành xong trước ngày 15/12/2020 để tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh kỳ họp cuối năm; đồng thời, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp  cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành liên quan khắc phục các chỉ số thành phần đạt thấp như Chỉ số năng động của chính quyền cấp tỉnh; chỉ số minh bạch và tiếp cận thông tin; chỉ số chi phí không chính thức; chỉ số hỗ trợ dịch vụ doanh nghiệp... Đặc biệt, ần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong môi trường đầu tư; khắc phục tình trạng thẩm định dự án mất quá nhiều thời gian. UBND tỉnh chỉ đạo rà soát quy trình thủ tục đầu tư theo hướng 5 rõ, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi quá trình tiếp nhận dự án đầu tư. Từ 01/01/2021, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện phải công khai số điện thoại và email để tiếp nhận, xử lý thắc mắc của người dân, doanh nghiệp.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh thủ tục triển khai và tháo gỡ khó khăn cho các dự án của các nhà đầu tư lớn trên địa bàn (FLC, T&T, TH True Milk, Sun Group, nhiệt điện BOT...). Thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án lớn.

Đẩy mạnh thủ tục pháp lý để sớm đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo các quy hoạch đã được phê duyệt, đủ điều kiện đầu tư xây dựng để triển khai thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và không gây ô nhiễm.

Tập trung tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên các lĩnh vực tư vấn pháp lý trong giải quyết hoạt động, mở rộng sản xuất; hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ về nguồn nhân lực và chuyển đổi số; đồng thời, hạn chế thanh tra doanh nghiệp.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2021, đồng chí yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải ngân vốn ODA, vốn FDI, ưu tiên bố trí các dự án trọng điểm, công trình triển khai kế hoạch, đề án nghị quyết Đại hội XVII và các dự án giao thông kết nối liên vùng; bố trí từ 500 - 1000 tỷ đồng để cho công trình dự án triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII. Chú trọng nâng cao chất lượng các công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công; đặc biệt coi trọng chất lượng quy hoạch và chất lượng tư vấn thiết kế để tạo những công trình đầu tư công có dấu ấn kiến trúc riêng biệt. Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án bảo đảm chất lượng công trình và theo đúng tiến độ quy định.

Tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách ngay từ đầu năm; phấn đấu thu ngân sách nội địa tăng từ 10% trở lên so với dự toán giao; quản lý tốt các nguồn thu, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu cho ngân sách, nhất là nguồn thu từ đất, nguồn thu từ khoáng sản, bến bãi ven sông. Thực hiện nghiêm cơ chế điều hành ngân sách chủ động, tiết kiệm.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tập trung giải pháp tạo nguồn lực từ việc chuyển quyền sử dụng đất do đấu giá do UBND huyện, xã, tỉnh làm chủ đầu tư; khẩn trương thành lập Quỹ phát triển đất cấp tỉnh.

Tiếp tục quan tâm thỏa đáng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển đô thị để tạo trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế và đóng góp cho mục tiêu tăng trường. Dành nguồn lực thỏa đáng và sự chỉ đạo quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng và xác định đây là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu...

Tại Hội nghị, đã thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với 6 chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội; 4 kế hoạch tiếp tục thực hiện một số đề án của nhiệm kỳ 2015 -2020; 02 nghị quyết chuyên đề và 06 đề án của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quan điểm phát triển “Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh để phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Hải Dương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”. Chiến lược phát triển tới năm 2030 gồm “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Ba trục phát triển”; trong đó bốn trụ cột: (1) Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; (2) Nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; (3) Dịch vụ chất lượng cao; (4) Đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị. Ba nền tảng: (1) Văn hóa và con người Hải Dương; (2) Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; (3) Hạ tầng đồng bộ, hiện đại với trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang; ba trục phát triển Bắc - Nam, Trục Đông - Tây và trục sông Thái Bình. Với triết lý phát triển “Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt”, tỉnh đề ra phương châm hành động: “Chủ động, Sáng tạo, Quyết liệt, Hiệu quả” và 5 rõ (Rõ việc, Rõ người, Rõ tiến độ, Rõ hiệu quả, Rõ trách nhiệm).

BT - Văn phòng Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: