Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Tọa đàm về đào tạo nghề và xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại

Thứ Năm 10/10/2019 15:50

Xem với cỡ chữ
Ngày 9/10/2019, tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tọa đàm khảo sát xây dựng Nghị quyết “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân và Nghị quyết xây dựng xã hội nông dân văn minh, hiện đại”. Ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tọa đàm

Đ/c Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị tọa đàm

Trong 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức và phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức được 748 lớp nghề cho 26.180 lao động nông thôn, chiếm 43% số lao động được đào tạo nghề trong toàn tỉnh, trong đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức dạy nghề được 375 lớp cho 13.125 lao động nông thôn. Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân còn tổ chức từ 220-250 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sử dụng phân bón hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.. cho khoảng 11.000 người, thời gian tập huấn từ ½ ngày – 3 ngày/lớp. Duy trì và thành lập 35 chi hội, tổ hội nghề nghiệp trồng trọt, thủy sản với gần 1.000 thành viên. Tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, tư vấn hướng dẫn, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng và quản lý 15 nhãn hiệu tập thể sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tín chấp cho 13.021 hộ vay với số tiền 1.317,4 tỷ đồng; tín chấp Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 26.220 hộ vay với số tiền 921,8 tỷ đồng; vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho 68 hộ với số tiền 2,015 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng khác cho trên 1.000 hộ vay với số tiền 115 tỷ đồng; giai đoạn 2013- 2018 qua bình xét trung bình hàng năm có 117.433 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Thực hiện chương trình tham gia xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tích cực vận động nông dân đóng góp ước đạt 2.500 tỷ đồng, 2 triệu ngày công, 700ha đất nông nghiệp và thổ cư để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, các công trình phúc lợi,.. góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 191/220 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 86,8%; có khoảng 5-10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 0 3 huyện, thành phố về đích NTM là: Cẩm Giàng, Kinh Môn, Chí Linh.

Tại buổi tọa đàm đã có 11 ý kiến tham gia tập trung vào một số nội dung như: Thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho nông dân; xây dựng bộ khung tiêu chí "Xã hội nông thôn văn minh, hiện đại"; cách thức quản lý các quỹ; hoạt động giám sát sau dạy nghề, xây dựng chi hội nghề nghiệp; công tác phối hợp giữa tổ chức Hội nông dân với các cấp, các ngành liên quan; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân...

Kết luận buổi tọa đàm, ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Hải Dương trong thời gian qua, là tỉnh có phong trào đứng ở tốp đầu trong toàn quốc, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp Hội nông dân tỉnh Hải Dương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Hội đến với cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hơn chất lượng hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp thu hút hội viên vào tổ chức; tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân; tiếp tục phát huy hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, gắn với hỗ trợ vốn, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xác định đây là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: