Sáng ngày 18/7, Huyện ủy Kim Thành tổ chức Hội thảo khao học tham gia, đóng góp ý kiến vào nội dung bản thảo cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Thành (1930- 2025). Tham gia Hội thảo có đồng chí Lê văn Bằng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó bí thư thường trực Huyện ủy; các đồng chí nguyên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện qua các thời kỳ; thành viên Ban chỉ đạo, Ban biên tập, Ban sưu tầm và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung, tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Thành (1930- 2025).
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Qua hai lần xin ý kiến, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, có giá trị vào bản thảo, tập trung vào một số nội dung như kết cấu, bố cục; tính chính xác, chân thực của các sự kiện, địa danh, con người, thời điểm; về ngôn ngữ, câu từ, văn phong; về những chủ trương, kết quả thực hiện lĩnh vực kinh tế- xã hội; quá trình công tác của các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; việc sắp xếp các cụm ảnh,... Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban biên tập, Ban sưu tầm nghiên cứu, tiếp thu, chọn lọc để bổ sung, chỉnh sửa.
Đồng chí Lê Ngọc Sang, Nguyên phó bí thư thường trực Huyện ủy tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Tại Hội thảo khoa học, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến có giá trị giúp Ban chỉ đạo và đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện và tiến hành các quy trình về thẩm định, in và xuất bản cuốn lịch sử, phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện. Kết quả, đến nay bản thảo Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Thành (1930- 2025) đã được hoàn thiện với tổng thể 710 trang nội dung, gồm 9 chương và các phần phụ lục; trong đó, nội dung tái bản, bổ sung nâng cao từ năm 1930 đến năm 2005 gồm 446 trang và nội dung biên soạn mới từ năm 2005 đến năm 2025 là 216 trang.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó bí thư thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: Việc nghên cứu, biên soạn Lịch sử đảng bộ huyện có ý nghĩa hết sức quan trọng, có giá trị lâu dài. Trong quá trình biên soạn cuốn sách, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do nguồn tư liệu phục vụ biên soạn hạn chế, các nhân chứng của các sự kiện lịch sử không còn nhiều; cán bộ làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn làm công tác kiêm nhiệm. Đồng chí phó bí thư thường trực Huyện ủy đề nghị, trong quá trình rà soát, chỉnh lý, bổ sung, sưu tầm, biên soạn các sự kiện, nhân vật, các bộ phận chức năng phải hết sức thận trọng; trong quá trình biên soạn, chỉnh sửa phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, khẳng định được những giá trị truyền thống, vai trò hạt nhân lãnh đạo của cấp ủy đảng; rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong thời kỳ mới góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.