Việc Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách lựa chọn, tổ chức các hội nghị chuyên đề đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Việc tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề là nét mới, tạo chuyển biến rõ rệt của Huyện ủy Nam Sách từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung nghiên cứu, lựa chọn việc khó, điểm nghẽn để tập trung bàn giải pháp thực hiện trong các hội nghị chuyên đề. Trong gần 3 năm đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Nam Sách đã tổ chức 5 hội nghị chuyên đề về 5 vấn đề được đánh giá là các việc khó của huyện, gồm: tạo nguồn kết nạp đảng viên là học sinh THPT; phân loại rác thải tại nguồn; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, việc phân loại rác thải tại nguồn là một việc khó, ít nơi trong tỉnh làm được. Huyện ủy Nam Sách đã tổ chức hội nghị chuyên đề cùng bàn giải pháp, ra nghị quyết chuyên đề. Gần đây, trước thực trạng số lượt công dân kiến nghị, phản ánh, gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng ở cấp huyện và Nam Sách là một trong những địa phương có tình trạng đơn thư nhiều nhất trong tỉnh, Huyện ủy Nam Sách đã tổ chức hội nghị chuyên đề vào ngày 17/8/2023. Việc sinh hoạt chi bộ trên địa bàn huyện cũng được chọn làm nội dung trong hội nghị chuyên đề nhằm giải quyết những bất cập như nội dung sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn đơn điệu, chưa đầy đủ, đảng viên ngại tự phê bình và phê bình...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Quang Thụ dự sinh hoạt chi bộ tại xã An Lâm
Để tổ chức được hội nghị chuyên đề, công việc chuẩn bị được tổ chức chu đáo. Trước khi tổ chức, cơ quan tham mưu tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân. Sau hội nghị, trong quá trình thực lại tiếp tục tìm giải pháp nếu có vấn đề mới phát sinh.
Sau các hội nghị, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã ban hành các nghị quyết chuyên đề với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể. Đơn cử nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ yêu cầu tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ đạt từ 85% trở lên. Đối với chi bộ có dưới 20 đảng viên trở lên phải có ít nhất 3 lượt ý kiến tham gia xây dựng nghị quyết, chi bộ có từ 20-50 đảng viên phải có ít nhất 5 lượt ý kiến và những chi bộ có từ 50 đảng viên trở lên có ít nhất 8 lượt ý kiến. Riêng đối với sinh hoạt chuyên đề học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải có ít nhất 3 lượt ý kiến thảo luận. Thời gian sinh hoạt chi bộ từ 90 phút trở lên, sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý 1 lần.
Huyện ủy Nam Sách cũng xây dựng hướng dẫn cụ thể về trình tự, nội dung các bước sinh hoạt chi bộ thống nhất trong toàn huyện. Các chi bộ đã treo bảng quy trình này tại nơi tổ chức sinh hoạt chi bộ để các đảng viên trong chi bộ cùng theo dõi, đánh giá chất lượng sinh hoạt của chi bộ mình. Từ khi có tấm biển này, việc sinh hoạt chi bộ có chuyển biến tích cực vì các đảng viên đều nắm được để cùng giám sát quy trình sinh hoạt liệu đã đúng và đủ chưa. Ý thức sinh hoạt của từng đảng viên cũng được nâng lên.
Các đại biểu tham gia hội nghị chuyên đề về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Đây chỉ là một trong 5 việc khó, điểm nghẽn ở Nam Sách đã được chuyển biến rõ rệt khi Huyện ủy tổ chức hội nghị chuyên đề. Trước đó, các hội nghị về phân loại rác thải tại nguồn và tạo nguồn kết nạp đảng viên là học sinh THPT cũng đã chứng minh hiệu quả.
Nam Sách là địa phương đi đầu toàn tỉnh về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn với 100% số hộ dân thực hiện. Số lượng đảng viên được kết nạp năm 2023 là học sinh THPT tăng vọt, với 40 em, là điển hình của tỉnh. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ, số lượt phát biểu sau khi có nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các chi bộ đều tăng và đang dần đi vào nền nếp. Hội nghị chuyên đề về tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng đang cho thấy hiệu quả bước đầu khi việc này được thực hiện quy củ, chặt chẽ hơn ở cả cấp huyện, xã.
Tiếp nối thành công từ những hội nghị đó, thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách tiếp tục nghiên cứu, tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.