Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Tư tưởng chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ Tư 08/11/2023 10:20

Xem với cỡ chữ
Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hệ thống hóa những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư về công tác đấu tranh PCTNTC. Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo này không phải hình thành một sớm một chiều, mà được đúc rút từ quá trình chỉ đạo công tác PCTNTC, qua từng Phiên họp của Ban Chỉ đạo, Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, được thực tiễn chứng minh mang lại hiệu quả cao, được cụ thể hóa, thể chế hóa trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với công tác đấu tranh PCTNTC đều có tính chất, đặc điểm nổi bật, chặt chẽ, xuyên suốt, nhất quán và phát triển dần dần hình thành nên hệ tư tưởng về đấu tranh PCTNTC, cụ thể là:

(1) Có những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mang tính tổng thể, xuyên suốt, là “kim chỉ nam” trong hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng như:

- Không chỉ tập trung PCTN, mà còn phải tập trung phòng, chống tiêu cực, xác định phạm vi của tiêu cực cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng cũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng, do đó nếu chỉ chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả ( [1] ), vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức, phải phòng chống cả tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên. “ Nếu như trước đây chúng ta mới chỉ có quy định, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, thì nay đã có cả quy định, chế tài xử lý các hành vi tiêu cực. Nếu như trước đây, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng còn lúng túng trong nhận thức, triển khai công tác PCTC, thì hiện nay đã có quy định, hướng dẫn cụ thể giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thống nhất nhận thức trong triển khai thực hiện ”( [2] ).

- Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải ràng buộc trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý.

- Phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát. Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất cứ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.

- Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

- Quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, mở đường, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật.

- Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

(2) Một số tư tưởng, quan điểm chỉ đạo hết sức cụ thể, được cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng quán triệt, thực hiện nghiêm túc, góp phần tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực thời gian qua:

- Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.

- Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

- Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên thì phải kịp thời báo cáo và chuyển tài liệu cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của Đảng…

(3) “Chống” luôn phải đi đôi với “Xây”, không phải cứ nhất thiết xử lý được nhiều người mới là tốt, mà quan trọng phải tăng cường đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực:

- Phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng…. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

- Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính; nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn.

- Trong đấu tranh PCTN không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, thiếu quyết liệt; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

- Tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ; từ đó xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân, đồng thời bảo vệ khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

(4) PCTNTC là cuộc chiến chính nghĩa, phải có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh từ cuộc chiến này, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”:

- Đấu tranh PCTN thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN.

- Phải có quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Phải có những bước tiến mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

- Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, “chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

- Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoại.

- Hiện nay, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có quan điểm cho rằng “nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển của đất nước”( [3] ). Đây là biểu hiện của sự nhận thức nông cạn, thiếu suy nghĩ chín chắn. Đẩy mạnh PCTN, tiêu cực không làm “nản lòng”, “chùn bước”, sợ sai của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”, “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

([1]) Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.16.

([2]) Phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung  ương về PCTN, tiêu cực.

([3]) Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh PCTN, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới”, http://www.vietnamplus.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/801297.vnp , ngày 30/6/2022.

Phạm Thị Hoài, VPTU (Trích bài viết của TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính TW)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: