Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Bài 2: Cân nhắc đặt tên mới

Thứ Sáu 08/09/2023 07:25

Xem với cỡ chữ
Khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, việc đặt tên các địa phương mới cần có ý nghĩa, phù hợp với lịch sử, văn hóa của các địa phương và được đông đảo nhân dân đồng thuận.

 

w_z4649532769002_576cf472e02733988781359e82d49fde.jpg

Đại diện cán bộ, đảng viên, người dân thôn Đồng Lạc, xã Hồng Đức (Ninh Giang) bàn luận tên mới của xã Hồng Đức và Vạn Phúc sau sáp nhập

Nhiều cách đặt tên

Tại Hải Dương, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 và dự kiến phương án giai đoạn 2023-2025 cho thấy có một số cách thức đặt tên địa phương mới. Đó là ghép một phần tên của những địa phương cũ để tạo thành tên địa phương mới; giữ nguyên tên của một địa phương cũ có lịch sử lâu đời hơn và là tên chung của các địa phương trong lịch sử; đặt tên hoàn toàn mới.

Thực tế cho thấy những cách thức đặt tên trên ở hầu hết địa phương đều đáp ứng được các yếu tố là có ý nghĩa, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa. Ở huyện Ninh Giang, các xã mới được thành lập trong giai đoạn 2019-2021 đều lấy lại tên trong lịch sử gồm: Ứng Hòe, Tân Hương, Hồng Dụ, Văn Hội, Tân Quang và Hưng Long.

Ở những nơi sáp nhập 3 xã thành 1 xã, việc lấy tên hoàn toàn mới cũng có ý nghĩa tốt. Ví dụ xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Đông Kỳ, Tây Kỳ, Tứ Xuyên; xã Thanh Quang (Thanh Hà) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Hợp Đức, Trường Thành, Thanh Bính. Ở nhiều xã lấy tên từ việc ghép một phần tên các xã cũ cũng có ý nghĩa khá tốt như xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Đại Đồng, Kỳ Sơn; xã Định Sơn (Cẩm Giàng) thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Cẩm Sơn, Cẩm Định; xã Tuấn Việt (Kim Thành) thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Tuấn Hưng, Việt Hưng…

Tuy nhiên, việc đặt tên ở một số địa phương vẫn chưa thật ý nghĩa. Xã Quang Thành (Kinh Môn) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Phúc Thành và Quang Trung. Ông Lưu Hữu Nhặn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: “Thời điểm sáp nhập, chúng tôi đưa ra bàn, xin ý kiến rộng rãi với tên xã mới là Quang Thành vì người dân mong muốn được ghép tên 2 xã cũ. Trong xã có Trường THPT Quang Thành nên tên gọi này đã thân thuộc. Nhưng địa phương cũng rất tiếc khi xã không còn mang tên vua Quang Trung”.

Trong giai đoạn 2019-2021, một số tên của địa phương khác sau khi sáp nhập cũng chưa thực sự ý nghĩa, bị chê. Trong dự kiến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh, tại huyện Tứ Kỳ cũng có một số tên xã mới được đề xuất đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều như xã Ngọc Tái thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Ngọc Kỳ, Tái Sơn; xã Kỳ Lạc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Phượng Kỳ, Cộng Lạc.

Lựa chọn kỹ lưỡng

Theo kế hoạch, 3 phường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) sẽ thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025. Sáng 24.8, phường Trần Hưng Đạo tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Ông Vũ Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Tại buổi đối thoại, nhiều người dân quan tâm đặt câu hỏi về việc sắp xếp đơn vị hành chính mới, phường sẽ có tên gọi là gì, đặt trụ sở phường tại đâu, nhiều người dân bày tỏ muốn được đặt là phường mang tên Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo”.

W_z4649533422252_c192e539895c571e9326e58ba6e073bd.jpg

Theo kế hoạch, 3 phường Phạm Ngũ Lão, Trần Phú, Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) sẽ được sắp xếp thành 1 phường. Trong ảnh: Một góc phường Phạm Ngũ Lão

Về vấn đề trên, ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương cho rằng khi sắp xếp 3 phường Phạm Ngũ Lão, Trần Phú, Lê Thanh Nghị thì có thể xem xét đặt tên phường mang tên cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị (quê Gia Lộc, Hải Dương). Cũng có thể lấy tên là Bình Minh đã tồn tại từ những năm 1975 đến nay. Còn đối với 3 phường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi nên xem xét đặt tên là Thành Đông hoặc Cựu Thành vì 3 phường này có địa giới gắn với Thành Đông xưa, là vùng lõi của TP Hải Dương ngày nay.

“Đây là cơ hội để đặt tên phường mới khôi phục được tên gọi từ thời còn là Thành Đông”, ông Hoành cho biết thêm.

W_z4649533113126_f57cd726f6969a5ac28be805b44528e9.jpg

Nhà sử học Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương

Giai đoạn 2023-2025, huyện Kim Thành thực hiện sắp xếp 4 cặp xã thành 4 xã mới. Đồng chí Phạm Quang Hưng, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành cho biết: “Việc đặt tên cho các xã mới giai đoạn này đều là những cặp xã cũ chưa từng có tên chung trong lịch sử. Huyện đang thống nhất xây dựng các nguyên tắc chung khi lựa chọn, xác định tên gọi của các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải có ý nghĩa và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân nhằm đạt sự đồng thuận cao”.

Việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp được người dân các địa phương rất quan tâm. Vì vậy, các địa phương cần xác định tên gọi có ý nghĩa, phù hợp các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, đặc biệt là với những xã, phường đang mang tên danh nhân. Các địa phương cũng cần hạn chế việc đặt tên trùng với các nơi khác trong tỉnh để tránh gây hiểu lầm, bất tiện trong công việc hằng ngày. Việc đặt tên cần tính đến phương án giữ nguyên tên của 1 trong những địa phương cũ nhằm giảm bớt số lượng giấy tờ cần thay đổi thông tin, địa chỉ để tiết kiệm thời gian, kinh phí...

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: