Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Bài 4 - Cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp

Thứ Sáu 07/07/2023 17:45

Xem với cỡ chữ
Nửa nhiệm kỳ qua, cơ cấu lao động của Hải Dương chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế, góp phần tạo động lực phục hồi và phát triển.

 


Nhờ sự hỗ trợ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ nên không cần nhiều lao động làm nông nghiệp như trước

Vượt qua khó khăn, thách thức của dịch bệnh cùng những tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế thế giới, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đã nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bước vào nhiệm kỳ mới, mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tạo nền tảng để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Hải Dương gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi Hải Dương phải có những chính sách chuyển dịch nguồn nhân lực phù hợp, tạo việc làm, tăng năng suất, xây dựng thị trường lao động thích ứng, linh hoạt.

Năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030". Tỉnh cũng gấp rút triển khai “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định 3 khâu đột phá lớn, trong đó có “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Thực hiện yêu cầu đó, các địa phương của Hải Dương đã sớm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Đảng bộ tỉnh đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Hải Dương sau nửa nhiệm kỳ được nâng lên đáng kể. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các trường đào tạo quan tâm mở thêm nhiều nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của Hải Dương đã đạt 31,5%, vượt 3,2% so với mục tiêu đề ra trong năm, tăng hơn 1% so với năm 2021 và tăng 5% so với năm 2020. Riêng năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ có thể đạt 32%.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc điều hành vùng châu Á, Thái Bình Dương, Công ty TNHH Prettl Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) nhận định, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động của Hải Dương sẽ giúp nhiều doanh nghiệp của tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi của doanh nghiệp còn chậm nhưng thời gian tới, nguồn nhân lực dành cho công nghiệp sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng giúp Hải Dương phục hồi kinh tế nhanh và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tích tụ ruộng đất cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư khoa học, kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều địa phương của Hải Dương hình thành những thửa ruộng lớn “không dấu chân người”. Vì vậy, số lượng lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp từng bước được tinh giản. Lao động dành cho nông nghiệp, thủy sản cũng không cần nhiều như trước mà chuyển dịch dần sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Anh Nguyễn Văn Phong, chủ trang trại Phong Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) cho rằng trong tương lai một nông dân có thể điều hành máy móc từ khâu làm đất, lên luống, trồng cây, bón phân, phun thuốc, tưới nước đến thu hoạch tự động mà không cần nhiều người như trước. Việc giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và tập trung nâng cao kỹ thuật canh tác, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất lao động lĩnh vực này mới thực sự cần thiết.
 


Các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đang thu hút số lượng lớn lao động Hải Dương tới làm việc

Cơ hội rộng mở

Hải Dương thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động không khó khi tỉnh có lợi thế của giai đoạn “dân số vàng”, nguồn lao động dồi dào.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, hiện nay, dân số của Hải Dương ước gần 2 triệu người, đứng thứ 8 cả nước. Số người trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) cao gần gấp đôi số người phụ thuộc (dưới 15 và từ 65 tuổi trở lên). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của tỉnh tính đến hết năm 2022 chiếm gần 69%. Dân số của tỉnh cũng ngày càng có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương có nhiều lợi thế để chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển, đó là dân số trong độ tuổi lao động lớn. Cấp uỷ đảng, chính quyền luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đây là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố rộng. Hải Dương cũng đang thực hiện nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cần nguồn lao động lớn, lao động kỹ thuật, lao động có trình độ cao. Đặc biệt, lực lượng lao động trẻ, am hiểu về công nghệ, khoa học, kỹ thuật… sẽ giúp tỉnh thuận lợi thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động, từ đó tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cùng với cả nước, Hải Dương từng bước xây dựng lộ trình chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tình hình mới.

Ngay đầu nhiệm kỳ, Hải Dương chủ động bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực như hỗ trợ người học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm; tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động cho thu nhập cao, an toàn cho người lao động. Việc cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo trong các cấp học, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được thực hiện bài bản. Nội dung chương trình và phương pháp đào tạo trong nhà trường đã dần phù hợp yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Mối liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp dần bền chặt. Công tác dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động được quan tâm và thực hiện hiệu quả hơn.

Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra hoàn toàn có thể sớm thực hiện được, thậm chí vượt chỉ tiêu.
 

Sau nửa nhiệm kỳ, cơ cấu lao động của Hải Dương chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng từ 51,9% (năm 2020) lên 52,4% vào cuối năm 2022 và dự báo sẽ vượt mục tiêu đề ra vào năm 2025. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 28,6% (năm 2020) lên 30% vào năm 2022, dự báo có thể vượt mục tiêu đại hội đề ra vào năm 2025 là 30,5%; giảm tỷ trọng lao động lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản từ 19,5% (năm 2020) xuống 17,6% (năm 2022) và dự báo vượt mục tiêu đại hội đề ra vào năm 2025 là 19%.
Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: