Chủ nhật, ngày 5/5/2024

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII

Thứ Năm 06/04/2023 20:40

Xem với cỡ chữ
Ngày 06/4/2023, tại trụ sở Tỉnh ủy Hải Dương, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã nghe và cho ý kiến vào 8 nội dung quan trọng.

Các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở Hải Dương

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò của kinh tế tập thể, HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội dần được khẳng định, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP của tỉnh ngày một tăng. Thông qua HTX, các hộ thành viên đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất nhận định khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh vẫn chưa phát triển theo yêu cầu đặt ra, tốc độ tăng trưởng của chậm, tỷ lệ đóng góp vào GRDP còn thấp. HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương, lĩnh vực. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp. Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến, liên hiệp HTX còn ít. Nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 64-CTr/TU, ngày 17/01/2023 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 2045 và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhất trí chủ trương xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, và Chương trình hành động số 64-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; trong đó nghiên cứu, xem xét ban hành đề án riêng về phát triển kinh tế tập thể và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trung tâm thu mua, bảo quản, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Kiểm điểm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Thời gian qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 06 tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh; bước đầu đã thu được một số kết quả có ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội, như: ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết nối lưu thông, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng tổ chức họp trực tuyến, họp không giấy tờ hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm được nhiều chi phí; ứng dụng trong cải cách thủ tục hành chính… So với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết, tỉnh đã vươn lên xếp hạng chỉ số về chuyển đổi số của tỉnh đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thời gian tới, để phấn đấu đạt được những mục tiêu Nghị quyết đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầutập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện có hiệu quả những nội dung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chuyển đổi số tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với đồng chí Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan cơ liên quan để thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy; để chuyển đổi số thực sự là động lực phát triển của tỉnh thời gian tới.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quản lý tài chính, tài sản đảng

Đối với công tác tài chính đảng, Ban Chấp hành giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo chỉ đạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quản lý tài chính, tài sản đảng, bảo đảm kinh phí hoạt động của các cấp uỷ và cơ quan, đơn vị dự toán trực thuộc Tỉnh ủy; chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước; sử dụng hiệu quả nguồn quỹ dự trữ của Tỉnh ủy trong ứng dụng chuyển đổi số trong các cơ quan của Đảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng; tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tài chính đảng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng cấp trên cũng như nghị quyết đại hội Đảng cùng cấp. Các cấp ủy đều chỉ đạo cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết đại hội bằng các kế hoạch, chương trình, đề án gắn với các công trình trọng điểm, có tính đột phá, sáng tạo. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cũng cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghị quyết ở một số cấp ủy còn mang tính hình thức; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện còn mang tính sao chép, chưa gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị. Kết quả thực hiện các công trình, dự án trọng điểm còn chậm so với kế hoạch đề ra ; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đại hội đề ra khó thực hiện và khó đạt nên cần nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh cho phù hợp.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng tình và nhất trí cao với kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và khẳng định: công tác kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, theo đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương. Việc kiểm điểm được tiến hành nghiêm túc, thẳng thắn, với tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao, đảm bảo dân chủ.

Tại Hội nghị, Tỉnh ủy Hải Dương cũng thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới; trong đó về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, về phát triển kinh tế xã hội có 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: