Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (gọi tắt là Kết luận số 120-KL/TW), trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện bằng những hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn và đạt được những kết quả quan trọng.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước trong tỉnh triển khai tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Kết luận số 120-KL/TW, tập trung thực hiện nghiêm các nội dung của Kết luận, đồng thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tới cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với việc triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ: Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3, điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực chủ trì Hội nghị
Cấp ủy các cấp trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung dân chủ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch các nội dung theo quy định. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng có sự đổi mới theo hướng tăng cường về cơ sở, phát huy dân chủ trong dân để tạo sự đồng thuận xã hội.
HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, hoạt động của các ban của HĐND. Phát huy dân chủ trong tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh tại các kỳ họp và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
UBND các cấp đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, điều hành theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ, công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, Ban Thanh tra nhân dân ngày càng nâng lên; công tác tiếp công dân được chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân; thực hiện công tác tiếp dân theo quy định. Trong 5 năm, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp 19.545 lượt công dân, trong đó cấp tỉnh 7.442 lượt; cấp huyện 5.261 lượt; cấp xã 6.842 lượt; tiếp nhận 20.045 đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Số đơn thư, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các sở, ngành là 1.363 đơn, các đơn còn lại là đơn kiến nghị, phản ánh 13.798 đơn và đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, đơn trùng lắp là 4.884 đơn.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện; tuyên truyền, vận động, tham gia ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách hiệu quả, thiết thực. Từ 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh đã chủ trì giám sát được 24 chuyên đề tại 84 cơ quan, đơn vị; cấp huyện giám sát 76 chuyên đề tại 217 cơ quan, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực được nhân dân quan tâm. Đã tổ chức 12 hội nghị phản biện đối với 18 dự thảo văn bản của tỉnh liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân; tổ chức lấy ý kiến đối với 810 văn bản.
Việc công khai, minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của công dân được triển khai đầy đủ, do đó nhiều vấn đề khó khăn đã được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả, đặc biệt là việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó việc huy động sức dân, sự chung tay đóng góp của người dân có vai trò rất lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng); có 4 huyện hoàn thành các thủ tục đề nghị Chính phủ xét công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới (Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Nam Sách); thành phố Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, tỉnh đã hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính và nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I, thành lập thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh.
Các cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức để công khai dân chủ và bàn phương án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị đúng quy định; kịp thời kiện toàn, điều chỉnh việc phân công trách nhiệm của BCĐ thực hiện QCDC khi có thay đổi về nhân sự. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm về tổ chức, hoạt động, chủ động giám sát việc triển khai thực hiện công khai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải cách tài chính công; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân trong các cơ quan nhà nước. Hiện nay, 100% sở, ngành và UBND cấp huyện đã triển khai thực hiện và công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đang cung cấp 1. 840 dịch vụ công trực tuyến (có 1. 706 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 134 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Cùng với đó, thực hiện QCDC, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng thực hiện công khai, minh bạch vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như công khai việc nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, việc thu, chi tài chính, sử dụng các loại quỹ góp phần tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở hơn...
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết khoản 3, điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức;vận động nhân dân tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo từng lĩnh vực; chú trọng công tác sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt QCDC ở cơ sở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ cũng như việc lợi dụng dân chủ làm ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ; tăng cường trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo từ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.